1. Đường đến Sơn Trà Tịnh Viên
Sơn Trà Tịnh Viên nằm sâu trong thung lũng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, thuộc tiểu khu 64, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Từ sân bay Đà Nẵng, du khách đi theo con đường ven biển Hoàng Sa. Sau đó rẽ vào đường Lê Văn Lương nằm sát chân núi Sơn Trà. Du khách chỉ cần đi hết gần đường Lê Văn Lương, thì sẽ thấy 1 cây cầu nhỏ. Phía tay trái của cây cầu là một đường dẫn đến Bệnh Xá hải quân vùng 3. Du khách chỉ cần đi qua bệnh xá. Tiếp đó rẽ qua 2 khúc cua đập vào mắt ngay một chiếc cổng bé được làm bằng thân tre. Đó chính là địa điểm chúng ta cần tìm: Sơn Trà Tịnh Viên
2. Sơn Trà Tịnh Viên của sư thầy nặng lòng với tre trúc Việt
2.1 Mái nhà của người thầy nặng tình tre trúc
Bên cạnh là khu bảo tồn tre, trúc nổi tiếng ở Việt Nam thì nơi đây còn được mệnh danh như chốn bồng lai tiên cảnh. Sơn Trà Tịnh Viên chứa đựng đầy tình cảm của người chủ nhân đầy tâm huyết – Đại đức Thích Thế Tường.
Tháng 9 năm 2005, nơi đây vốn dĩ chỉ là một rừng núi hoang sơ, bạt ngàn lau sậy, hoang sơ và huyền bí. Một mảnh đất thiếu vắng hình bóng của con người cùng như màu xanh của sự sống. Ấy thế mà đây lại là nơi sư thầy Đại đức Thích Thế Tường lựa chọn để để tu hành và sinh sống. Chốn an nhiên này không ngờ lại trở thành một địa điểm thu hút sự chú ý của cộng đồng.
2.2 Thầy Tường đã cất công xây dựng ” Khu bảo tồn tre trúc Việt”
Thầy đã tự tay cất chòi, phát quang bụi rậm, trồng cây, đào ao, nuôi cá. Người hô biến chốn rừng rậm hoang sơ thành một mảnh vườn bằng phẳng với cảnh quan đẹp đẽ như hiện tại. Thầy còn sưu tầm nhiều giống tre trúc có mặt trên khắp mọi miền quê hương đất nước như trúc quân tử, lồ ô, luồng, hóp,
Suốt hơn 10 năm, ngay từ những buổi đầu, Thầy Thích Thế Tường đã dành không ít thời gian và công sức. Để rồi thành quả là tạo nên một “Khu bảo tồn tre trúc Việt” như hôm nay. Cũng như trở thành một địa điểm tham quan luôn nức lòng khách du lịch đến ghé thăm.
3. Biểu tượng của vẻ đẹp Sơn Trà Tịnh Viên – cây tre
Hiện nay, “khu rừng” tre này đã có hơn 100 loài trên tổng số gần 300 loài tre trúc ở Việt Nam. Đặc biệt có những giống tre với nguy cơ tuyệt chủng như trúc đen, trúc vuông. Ngoài ra có cả giống tre được đích thân Đức Dalai Lama gửi từ Ấn Độ về tặng thầy Tường để nuôi trồng và chăm sóc tại nơi này.
Không phải ngẫu nhiên mà thầy Tường lại chọn cây tre để “bầu bạn và tâm tình”. Thầy từng chia sẻ rằng bởi lẽ cây tre là hình ảnh gắn liền với đồng quê và dân tộc, con người Việt Nam. Cây tre còn là biểu tượng của văn hóa đặc trưng Việt Nam. Lưu giữ loài cây nhỏ bé nhưng kiên cường này là điều thầy Tường muốn làm trong suốt cuộc đời mình. Những thế hệ kế tiếp sau này sẽ biết đến loài cây tượng trưng cho khí phách của dân tộc.
4.Vẻ đẹp riêng biệt nhưng đầy lãng mạng
4.1 Màu xanh của sự sống tại rừng tre Sơn Trà Tịnh Viên
Tưởng chừng như một điểm yếu vì diện tích khung viên khá nhỏ và đơn giản. Nhưng không, đây cũng chính là điều khiến Sơn Trà Tịnh Viên luôn toát lên sự đầm ấm và thân thuộc đến lạ lùng. Đến với rừng tre, chúng ta như đang được trở về quê hương của mình. Khung cảnh nơi đây tràn ngập màu xanh của sự sống. Đó là màu xanh thuần túy của lá tre, màu xanh lam của bầu trời. Màu xanh mơn mởn bởi các loại cây cối khác nhau. Mà cái thứ màu xanh lạ lùng này luôn khiến bất kì ai trong chúng ta cũng cảm thấy lòng nhẹ nhàng và thoải mái khi nhìn vào.
Đập vào mắt bạn đầu tiên khi đến với khu rừng này chắc chắn sẽ là cây tre. Những tán lá tre chen chúc nhau để đón lấy ánh nắng mặt trời. Tiếng gió đung đưa xào xạc cùng tiếng lá cây cọ vào nhau. Tất cả tạo nên thứ âm thanh khác lạ so nơi thành phố khói bụi xô bồ. Thứ âm thanh khiến nhiều người đều ao ước được quay trở lại.
4.2 Sự hòa trộn của thiên nhiên giữa núi rừng Sơn Trà
Đi sâu vào bên trong, hồ cá nơi đây sẽ khiến bạn phải dừng lại chiêm ngưỡng. Những đàn cá đẹp với đầy đủ loại màu sắc. Mà thú vị nhất chính là chúng rất biết cách để thu hút sự chú ý của du khách nhé. Chúng đa phần thường bơi sát mặt nước để “ khoe khoang” thân hình to lớn và sặc sỡ. Vẻ tinh khôi của những bông sen trắng, những cánh hồng, nhánh lan vừa chớm nở… cho ta cảm giác như hòa mình cùng thiên nhiên tươi đẹp, muôn màu.
Sự hòa quyện của tiếng suối chảy róc rách, tiếng lá tre xào xạc va vào nhau. Tiếng gió thổi rì rào qua từng kẽ lá, tiếng chim hót vang vọng giữa núi rừng,…Tưởng chừng như ồn ào nhưng lại là cả một bầu trời tĩnh lặng. Tất cả đều đơn sơ, giản dị như cuộc sống của vị ẩn sĩ, chủ nhân của những rặng tre dài giữa núi rừng Sơn Trà.
“Đá nghiêng bên đá, ngàn pho tượng
Suối chảy reo vui, vạn tiếng đàn
Tre cong trong gió, trúc vươn thẳng
Hồn nước Sơn Trà, một tịnh viên”
-Thi sĩ Nguyễn Lâm Huệ-
5. Sơn Trà Tịnh Viên – điểm dừng chân của khách du lịch
5.1 Địa điểm tham quan và check in thú vị
Thành phố biển Đà Nẵng được thiên nhiên tạo hóa ban tặng cho rất nhiều địa danh với phong cảnh cực kỳ ấn tượng. Bên cạnh Phố Cổ Hội An, cầu Bàn Tay Vàng, Bãi Biển Mỹ Khê,… Thì đừng quên rằng, Sơn Trà Tịnh Viên vẫn luôn mở rộng vòng tay chào đón khách du lịch từ mọi miền đến ghé thăm. Mỗi ngày nơi đây thu hút rất nhiều lượt khách du lịch cũng như phật tử đến viếng cảnh, thăm quan. Không kể người già, trẻ nhỏ, khách du lịch đến đây với mong muốn được hít hà cái mùi thơm đặc trưng của đất trời, của đồng quê.
Nhiều khách du lịch nước ngoài cũng thường xuyên đến với Sơn Trà Tịnh Viên. Ngoài việc khám phá phong cảnh, mà còn là cơ hội hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. Nhiều bạn trẻ chạy trốn khỏi khói bụi thành phố đến đây để thư giãn, giải tỏa stress trong cuộc sống. Hoặc đơn giản là để lưu trữ vài tấm hình thời thanh xuân.
5.2 Không gian nghỉ ngơi lý tưởng
Thú vị hơn hết, nơi đây có cả những khe suối nhỏ trong veo chảy róc rách miệt mài. Nhiều tảng đá xanh màu rêu phong lấp ló dưới ánh mặt trời. Ta tưởng như lạc vào một khu rừng cổ kính nào đó đã tồn tại cả trăm năm. Sơn Trà Tịnh Viên có nhiều khoảng đất trống bằng phẳng để dừng chân nghỉ ngơi. Thầy Tường cũng bố trí nhiều ghế đá, võng để du khách đến đây nghỉ chân sau những giờ chiêm ngưỡng, tham quan. Còn gì tuyệt vời là một chỗ nghỉ chân lý tưởng dưới tán lá ngát xanh đúng không?
5.3 Những giây phút thư giãn tuyệt vời
Đa số khách du lịch đến đây không phải ai cũng am hiểu về các loại tre, trúc. Nếu có cũng chỉ là số ít, và cũng chỉ biết rằng nhìn chúng rất lạ mắt và đa dạng. Do đó, đa phần khách du lịch đến để thư giãn, gặp gỡ thầy Tường. Bên cạnh đó là tìm về với chính những sự yên tĩnh trong chính bản thân mình.
Vẻ đẹp của Sơn Trà không chỉ được ban tặng bởi thiên nhiên, mà còn nhờ chính bàn tay con người. Bên cạnh sự xây dựng và vun đắp của thầy Tường. Chính những vị khách du lịch đến nơi đây đã khiến cho Sơn Trà Tịnh Viên trở nên thu hút hơn, sinh động hơn và có thể tồn tại lâu dài hơn.
6. Sơn Trà Tịnh Viên – Lưu giữ cội nguồn của sự sống
6.1 Tâm niệm của thầy Tường
Thầy Tường tâm niệm rằng: “Ở đâu trên cõi đời này, con người gần gũi với thiên nhiên là trở về với cội nguồn của sự sống. Cây tre, cây trúc cũng có sự sống bất diệt giống như con người Việt Nam qua bao thăng trầm vẫn vượt lên tất cả”.
Sơn Trà Tịnh Viên chính là nơi Thầy Tường đặt niềm vui, lòng nhiệt huyệt của Thầy về biểu tượng của một dân tộc anh hùng. Có thể đối với nhiều người, cây tre, trúc chỉ bình thường như những loài thực vật khác. Hoặc nơi đây cũng chỉ là địa điểm du lịch ghé qua trong đời. Nhưng đối với người Thầy Tường, cây tre, trúc và Sơn Trà Tịnh Viên như cả một cuộc đời mình.
Thầy Tường đã không quản ngại thời gian. Thầy bỏ qua sự vất vả để nâng niu, ươm mầm từng gốc tre non cho đến khi chúng trưởng thành. Để rồi mỗi du khách đến nơi đây, dù ít hay nhiều đều sẽ hiểu thêm về một loài cây vốn từ lâu đã gắn bó với con người Việt, văn hóa Việt, đất nước Việt.
6.2 Đến với Sơn Trà Tịnh Viên như đến với một góc nhỏ Việt xưa
Cái hay ở Sơn Trà Tịnh Viên chính là lưu giữ, bảo tồn các giống tre trúc duy nhất ở Miền Trung. Đến với khu rừng tre này, du khách như đến với một góc Việt thu nhỏ. Góc Việt mà giữa chốn phồn hoa phố thị ai cũng muốn được một lần trở về như ngày xưa bé. Ai cũng mong muốn tìm về với cảm giác bình yên nơi bản thân. Cảm giác giúp lòng nhẹ nhàng và thoải mái.
Sơn Trà Tịnh Viên tuy không ồn ào như phố xá đèn hoa, tuy không tấp nập kẻ đón người đưa như chốn thành thị. Nhưng đây lại là nơi giúp chúng ta gạt bỏ hết mọi bộn bề sang bên cạnh, để rồi đắm chìm vào thiên nhiên. Ngại gì mà không tạm cách xa mọi xô bồ để đến thưởng ngoạn nơi đây.