1. Bánh tét, món ngon truyền thống người Việt
1.1 Nguồn gốc bánh tét
Nếu miền Bắc xem bánh chưng là đặc trưng của ngày tết thì ở miền Nam tết cổ truyền không thể thiếu món bánh tét. Bánh tét dẻo thơm, cách gói bánh tét cũng dễ nên được nhiều người ưa chuộng.
Câu chuyện về nguồn gốc của bánh tét gắn với một trong những vị vua nổi tiếng của nước ta đó là vua Quang Trung. Trong một lần dẫn binh đi đánh giặc, trong lúc ngồi nghỉ ngơi vua Quang Trung được người dân địa phương biếu cho một loại bánh. Bánh này được gói trong lá chuối, có hình trụ chắc chắn.
Khi thưởng thức bánh, vua Quang Trung rất ngạc nhiên vì vị ngon của bánh. Hỏi người biếu, vua mới biết đây là loại bánh vợ anh chuẩn bị cho những dịp đi xa. Mỗi khi thưởng thức miếng bánh dẻo thơm anh lại nhớ lại quê hương, nhớ người vợ hiền. Cảm động trước ý nghĩa của món bánh bình dị này vua đã ra lệnh mỗi người phải gói và ăn bánh trong dịp tết. Từ đó người ta cũng gọi món bánh này là bánh tết.
1.2. Vì sao gọi là bánh tét
Ban đầu bánh tét có tên là bánh tết để gợi nhớ ngày tết cổ truyền. Theo thời gian, do cách phát âm của vùng miền nên bánh tết dần được gọi thành bánh tét. Ngoài ra còn có một cách lý giải khác cụ thể hơn, dễ hình dung hơn. Bánh tét ăn đúng cách khá độc đáo. Thay vì dùng dao để cắt bánh, người ta sẽ dùng chính các sợi lạc buộc bánh để cắt. Người ta lột bỏ lớp vỏ lá chuối bọc bên ngoài, sau đó dùng chính dây buộc để tét bánh ra làm thành từng khoanh nhỏ.
2. Có những loại bánh tét nào?
Loại bánh đơn giản ngày xưa đã dần được sáng tạo nhiều hơn trong cách chế biến. Từ đó tạo ra nhiều loại bánh hơn. Cách phân biệt các loại bánh tét chủ yếu dựa vào nhân bánh và nguyên liệu tạo nên màu sắc của nếp. Nổi tiếng nhất có những loại bánh sau:
2.1 Bánh tét nhân mỡ
Bánh tét nhân mỡ là loại bánh tét xuất hiện đầu tiên. Cách làm bánh tét nhân mỡ dễ làm, hương vị cũng cực kỳ thơm ngon. Vị mỡ thịt béo béo kết hợp cùng nếp mềm dẻo tạo nên vị ngon khó cưỡng.
2.2 Bánh tét nhân chuối
Sau bánh tét nhân thịt mỡ là bánh tét nhân chuối. Loại bánh này cũng rất phổ biến. Với những ai không thích dầu mỡ, muốn giảm cân thì bánh tét nhân chuối sẽ rất phù hợp. Vị ngọt nhẹ, chuối mềm nếp dẻo khiến bánh tét trở nên hấp dẫn hơn nhiều.
2.3 Bánh tét 3 nhân kết hợp
Sau này người ta đã kết hợp cả nhân thịt mỡ và nhân chuối trong cùng một đòn bánh. Sự kết hợp độc đáo này đã đem đến hương vị mới lạ cho bánh tét truyền thống. Người ta có thể cảm nhận đầy đủ vị béo, ngọt, dẻo của bánh.
2.4 Bánh tét lá cẩm
Bánh tét lá cẩm có nguồn gốc từ Cần Thơ. Gia đình họ Huỳnh ở ngoại ô thành phố Cần Thơ là nơi sản sinh ra món ăn ngon này. Loại bánh này về hương vị khá giống với bánh tết thông thường. Tuy nhiên., cách gói bánh tét từ lá cẩm đã khiến cho bánh có màu tím đặc trưng đẹp mắt. Bánh cũng có nhân thịt mỡ, nhân chuối như bánh tét truyền thống nhưng chính màu tím khác biệt đã khiến cho bánh tét lá cẩm trở nên nổi tiếng khắp nơi.
2.5 Bánh tét mật cật
Một loại bánh tét nữa cũng rất nổi tiếng đó là bánh tét mật cật. Đặc sản đảo Ngọc được sáng tạo từ bánh tét truyền thống. Nguyên liệu dùng để gói bánh tét là từ lá mật cật. Thông thường lá mật cật được dùng để làm nón lá. Tuy nhiên người dân ở Phú Quốc đã nghĩ ra cách dùng loại lá này thay cho lá chuối để gói bánh tét. Vì lá gói khác nhau nên hương của bánh tét mật cật Phú Quốc rất khác với bánh tét thông thường. Đây là đặc sản Phú Quốc được nhiều người lựa chọn mua về làm quà.
3. Cách gói bánh đơn giản tại nhà
Từ xưa, vào những ngày tết nguyên đán bánh chưng, bánh tét đã không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết. So với ngày xưa, nhiều gia đình lựa chọn việc mua bánh gói sẵn và không còn tự gói bánh nhiều như trước. Đặc biệt là ở thị thành, truyền thống gói bánh tét ngày tết dường như không còn nữa. Bạn nên thử một dịp tết nào đó gói bánh tét tại nhà. Bên cạnh việc giữ gìn truyền thống thì đây còn là dịp những người thân trong gia đình quây quần bên nhau.
3.1 Cách gói bánh tét nhân đậu xanh thịt mỡ
3.1.1 Nguyên liệu làm bánh tét có gì?
Dù có cao nhiêu loại bánh tét ra đời thì bánh tét nhân thịt mỡ vẫn luôn được nhiều người yêu thích. Bánh tét thơm, béo đậm vị truyền thống không thể thiếu trong ngày đầu năm. Để làm bánh tét nhân đậu xanh thịt mỡ bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau:
- Nếp dẻo: 5 kg
- Đậu xanh cà vỏ: 2 kg
- Thit mỡ: 2kg
- Hành lá: 50 gram
- Hành tím: 200 gram
- Lá chuối, lạt (hoặc dây nilon), tiêu, muối, bột ngọt.
Đây là tỷ lệ cơ bản, nếu muốn gói ít hay nhiều bạn có thể thêm bớt cho phù hợp.
3.1.2 Các bước làm bánh tét
Bước 1: Chế biến nguyên liệu
Với đậu xanh, đậu xanh rửa sạch, ngâm nở sau đó nấu chín đậu rồi giã nhuyễn. Tiếp theo là công đoạn nấu nhân bánh. Cho dầu vào chảo nóng, tiến hành phi hành. Sau đó cho đậu xanh giã nhuyễn vào, thêm muối sao cho vừa ăn. Trộn đều các nguyên liệu. Lưu ý để lửa nhỏ và chỉ nấu trong khoảng 5 phút là được.
Với nếp, bạn ngâm nếp qua đêm cho nếp mềm và nở. Sau đó lấy nếp đã để ráo nước xào với ít muối và bột ngọt.
Với thịt mỡ, bạn trần thịt qua nước sôi cho chín sơ. Sau đó cắt thịt dài bằng chiều dài đòn bánh tét, thông thường sẽ là dài 10 cm, vuông 1 cm.
Bước 2: Làm nhân bánh
Nhân bánh được làm từ đậu xanh đã xào cùng với thịt mỡ. Bạn lấy một lượng đậu xanh vừa đủ tráng mỏng vừa phải. Sau đó lấy thịt mỡ đã cắt sợi cho vào giữa rồi bao kín lại bằng đậu xanh.
Bước 3: Lá chuối
Chọn những lá chuối bản to, còn tươi xanh. Lá chuối rửa sạch, phơi cho hơi héo. Trước khi gói lau lá chuối cho thật ráo và sạch.
Xé lá chuối thành những phần cơ bản để gói.
- Lá bọc ngoài: hình vuông cạnh khoảng chừng 25 cm
- Lá đặt bên trong: cạnh 15 cm
- Lá bịt hai đầu đòn bánh: dài 15 cm, ngang 5 cm.
Bước 4: Gói bánh
Sau cùng là công đoạn gói bánh. Đây là bước cực kỳ quan trọng để tạo ra một đòn bánh tét hoàn hảo. Gói bánh tét đòi hỏi phải chắc tay, biết khoảng cách giữa các dây buộc.
Đầu tiên, trải lớp lá chuối bọc ngoài và lá nhỏ đặt bên trong xuống nền. Cho nếp lên trên một lớp mỏng. Sau đó cho nhân vào giữa. Cuộn hai đầu của lá chuối lại cho có hình trụ. Gấp hai mí ngoài của lá chuối lại rồi dùng dây buộc ở giữa.
Gấp một đầu bánh lại thành hình vuông. Tiếp tục lấy lá bịt đầu bịt lại một đầu của đòn bánh. Đặt hai lá bịt đầu chéo nhau sao cho phần nhân, nếp bên trong không bị rơi ra ngoài. Đặt đòn bánh thẳng đứng. Sau đó lấy muỗng ấn phần nhân bánh cho chắc chắn. Dùng dây buộc lại cố định phần lá buộc đầu. Làm tương tự với phần đầu còn lại. Sau khi đã cố định phần giữa, 2 phần đầu bánh thì tiến hành buộc dây. Buộc 2 sợi dây theo chiều dọc đòn bánh. Lưu ý là hai sợi phải chéo nhau.
Dùng dây lạc (hoặc dây nilon) buộc thành từng khoanh trên đòn bánh cho chắc chắn. Khoảng 6 đến 8 vòng. Phần dây dư không được cắt bỏ mà sẽ xoắn lại.
Bước 5: Nấu bánh
Cuối cùng, để hoàn thành đòn bánh tét là công đoạn nấu bánh. Khi bánh gần hoàn thành bạn nên tranh thủ nấu nước sôi trước. Khi nước thật sôi thì xếp bánh vào và bắt đầu nấu. Nấu lửa lớn liên tục trong khoảng 7 đến 8 tiếng.
Khi bánh chín thì vớt ra để cho ráo nước.
3.2 Cách gói bánh tét chuối
3.2.1 Nguyên liệu làm bánh tét nhân chuối
Nguyên liệu gói bánh tét nhân chuối cũng tương tự như bánh tét thịt mỡ. Điểm khác duy nhất là phần nguyên liệu làm nhân bánh. Thay vì thịt mỡ bạn sẽ chuẩn bị chuối chín để làm nhân. Nguyên liệu cơ bản sẽ có những phần sau:
- 1 kg gạo nếp
- 1 vài lá dứa, rửa sạch thái nhỏ vắt lấy nước.
- 12 trái chuối sứ chín mùi, lột vỏ.
- 1 trái dừa tươi nạo ra lấy nước cốt dừa (hoặc dùng 1 lon nước cốt dừa)
- 2 muỗng café muối
- 3 muỗng canh đường
- Lá chuối tươi rửa sạch, lau khô
Ngoài ra nếu thích bạn cũng có thể cho thêm ít đậu đỏ, đậu đen vào bánh.
Bước 2: Làm nhân bánh tét chuối
Những phần khác chuẩn bị tương tự như bánh tét thịt mỡ. Với nhân bánh, bạn sử dụng chuối chín. Nhân chuối sẽ dễ làm hơn nhân thịt mỡ rất nhiều. Bạn chỉ việc lột vỏ chuối sau đó ướp với muối, đường vừa phải.
Bước 3: Cách gói bánh tét nhân chuối
Công đoạn gói bánh hoàn toàn tương tự như cách gói bánh nhân thịt mỡ. Chỉ khác là thay vì cho thịt mỡ vào giữa thì ở đây bạn cho chuối vào giữa. Chuối có thể để nguyên trái. Với những trái chuối to thì có thể cắt dọc thành hai miếng.
3.3 Cách gói bánh tét lá cẩm
3.3.1 Chuẩn bị nguyên liệu
Sau này bánh tét lá cẩm ra đời khiến cho thực khách có thêm nhiều sự lựa chọn khác nhau. Để làm bánh tét lá cẩm bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:
- 1kg nếp
- 250g đậu xanh
- 250g thịt ba rọi
- Chuối chín
- 10 cái lòng đỏ trứng muối
- 500g lá cẩm
- 500g dừa nạo
- Lá chuối hột, dây lát
- Gia vị muối, hạt nêm, đường, nước hành tỏi, hành lá
Nhìn chung nguyên liệu không khác quá nhiều so với bánh tét truyền thống. Điểm khác biệt lớn nhất đó là sự xuất hiện của lá cẩm.
3.3.2 Sơ chế
Với lá cẩm bạn tiến hành rửa sạch lá cẩm. Nấu cá cẩm với nước sao cho ra màu tím ưng ý. Trong quá trình nấu bạn có thể thêm bớt lá cẩm để cho ra màu sắc đẹp nhất.
Tiếp theo với phần dừa nạo, bạn cho nước ấm vào sau đó dùng tay nhào nhiều lần. Tiến hành vắt lọc lấy nước cốt dừa khoảng 1 chén. Còn lại tiếp tục cho nước ấm vào vắt lấy 2 chén nước.
Vo sạch gạo nếp. Ngâm gạo nếp với nước lá cẩm trước đó trong khoảng 6 đến 7 tiếng đồng hồ. Vớt nếp ra rồi ướp với ít muối cho nếp đậm đà.
Phần nước lá cẩm còn lại với 2 chén nước dừa dão trộn lại với nhau. Dun phần nước dừa lá cẩm sôi rồi cho nếp vào nấu. Trong quá trình nấu cho thêm ít đường, muối. Lưu ý là chỉ cho vừa phải. Nấu đến khi nếp nở mềm và dần ráo nước là được.
Đậu và thịt ba chỉ sơ chế tương tự như với bánh tét truyền thống. Với phần bánh nhân chuối cũng sơ chế như bánh truyền thống.
Bên cạnh đó, nhiều người gói bánh tét lá cẩm còn có cho thêm trứng muối. Nếu thích bạn có thể chuẩn bị thêm nguyên liệu này.
3.3.3 Gói bánh và nấu bánh
Công đoạn này hoàn toàn giống như với bánh tét truyền thống. Cách gói bánh tét lá cẩm cũng khá đơn giản và dễ làm.
3.4 Cách gói bánh tét mật cật
3.4.1 Nguyên liệu và sơ chế
Nếu có thể mua được lá mật cật ngay tại địa phương mình thì bạn cũng có thể thử làm bánh tét mật cật. Đặc sản Phú Quốc này hẳn sẽ cho bạn một mâm cỗ ngày tết đặc biệt hơn rất nhiều. Nguyên liệu làm bánh tét mật cật tương tự như bánh tét truyền thống. Điểm khác biệt đó là thay vì lá chuối thì người ta sử dụng lá mật cật.
Sơ chế cũng tương tự. Riêng với phần lá cẩm, bạn chọn những lá to, tươi tốt. Lá rửa sạch sau đó phơi nắng cho héo nhẹ. Nhớ phải canh thời gian không được để lá cẩm quá héo. Dùng khắn lau lá mật cật thêm một lần nữa cho sạch hoàn toàn.
3.4.2 Gói bánh
So với việc gói bằng lá chuối thì cách gói bằng lá mật cật khó hơn khá nhiều. Vì lá có diện tích nhỏ nên bạn phải thật tỉ mỉ. Xếp các lớp lá cẩm lên nhau sao cho chắc chắn. Tiếp tục cho nếp lên trên thành một lớp mỏng vừa phải. Tiếp theo là cho thêm lớp đậu rồi cuối cùng là phần nhân ở giữa. Cuộn hai mép lá lại với nhau. Thay vì hình trụ tròn thì ở đây bạn cuộn bánh hình trụ tam giác đều. Gấp 2 đầu lại cũng thành hình tam giác.
Với bánh tét mật cật bạn không phải buộc 2 dây chéo dọc theo bánh. Bạn chỉ việc dùng dây buộc xung quanh thành từng khoanh đều nhau. Như vậy là đòn bánh đã sẵn sàng được nấu.
3.5 Cách gói bánh tét nhiều màu
Bên cạnh bánh tét lá cẩm có màu tím đặc trưng thì người ta còn sáng tạo ra nhiều màu sắc khác cho bánh tét. Đòn bánh của bạn sẽ thêm phần đẹp mắt và hấp dẫn hơn. Màu bánh ở đây là là nguyên liệu tự nhiên. Không được sử dụng màu công nghiệp vì rất hại sức khoẻ. Ở đây sẽ có hai màu chính đó là màu xanh và màu vàng.
3.5.1 Cách làm bánh tét màu xanh
Để làm bánh tét màu xanh người ta sử dụng lá dứa. Các nguyên liệu khác sơ chế giống như hướng dẫn ở trên. Riêng với phần nếp sau khi đã ngâm qua đêm làm sạch thì sẽ tiến hành trộn với nước cốt lá dứa. Dùng lá dứa tươi rửa sạch, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Sau đó lọc lấy phần nước. Lấy phần nước trộn với nếp sẽ ra được màu xanh đẹp mắt. Tuỳ theo sở thích mà bạn có thể điều chỉnh lượng nếp và nước cốt sao cho ra màu đẹp vừa mắt nhất.
3.5.2 Cách tạo màu vàng cho bánh tét
Để làm nên đòn bánh tét màu vàng bạn sử dụng gấc. Cách làm này khá giống với việc nấu xôi gấc. Nếp cũng được ngâm qua đêm cho mềm rồi để ráo nước. Sử dụng phần thịt và hạt của quả gấc. Ngâm chúng trong một ít rượu. Sau một thời gian hỗn hợp sẽ bắt đầu lên màu. Bạn trộn nếp với nước gấc sẽ lên được màu. Tăng giảm tỉ lệ sẽ ra màu vàng, cam hoặc đỏ.
Bánh tét là món ngon ngày tết không thể thiếu ở miền nam nước ta. Hy vọng với những cách gói bánh tét trên bạn sẽ có thể tự tay làm cho mình những đòn bánh truyền thống thơm ngon nhất!