1. Cách làm mứt dừa sợi – mứt dừa truyền thống
Cách làm mứt dừa có lẽ là chủ đề được nhiều người quan tâm trong dịp Tết đến, xuân về. Mứt dừa là một món ngon ngày tết dễ ăn và dễ chế biến. Nếu kiên nhẫn một chút, bạn có thể làm một mẻ mứt dừa lớn cho cả gia đình dùng ngày Tết. Bài viết sau sẽ hướng dẫn các bạn thật cụ thể về cách làm mứt dừa ngon nhé!
1.1 Cách làm mứt dừa trắng
Có lẽ đây là loại mứt dừa dễ làm thành công trong lần đầu tiên nhất. Mứt dừa này cũng có vẻ phổ biến và được nhiều người ưa chuộng.
1.1.1 Nguyên liệu làm mứt dừa trắng
Nguyên liệu làm mứt dừa rất đơn giản: 1kg cùi dừa bánh tẻ, 500gr đường kính trắng và ống vani. Nếu bạn thích ăn ngọt hơn nữa thì có thể dùng 600gr đường. Tuy nhiên bạn không được cho ít hơn 500gr đường. Vì nếu lượng đường ít thì sẽ không kết tinh, bám được vào cùi dừa. Tóm lại là bạn luôn phải giữ tỷ lệ khối lượng dừa:đường là 2:1.
Bạn không nên chọn cùi dừa quá non vì sẽ khó bào mỏng, sên bị lâu. Nếu cùi dừa quá già thì mứt dễ cứng và khô, lúc đảo sẽ dễ gãy. Tốt nhất là bạn chọn loại dừa bánh tẻ, không non quá hay già quá. Bạn nên chọn những cùi dừa còn nguyên miếng, không bị vụn để dễ cắt, bào. Bạn có thể mua cùi dừa ở chợ hoặc các vựa dừa. Để mua được cùi dừa ngon thì bạn có thể đánh tiếng đặt hàng người bán.
1.1.2 Chi tiết cách làm mứt dừa trắng
Bước 1: Làm sạch cùi dừa
Đầu tiên, bạn cạo sạch phần vỏ nâu bên ngoài cùi dừa. Sau đó bạn dùng dao cắt cùi dừa thành những miếng dài vừa ăn. Bạn nên dùng dao bào để bào sợi thì sợi mứt sẽ đều và có độ mỏng tốt hơn.
Kế đó, bạn rửa các sợi dừa nhiều lần bằng nước lạnh. Bạn nên rửa đến khi nào phần nước rửa trong veo, sợi dừa hết nhờn, trơn. Bước này sẽ giúp dầu dừa bị rửa trôi hết. Lúc sên mứt sẽ dễ bắt đường và mứt thành phẩm bảo quản được lâu, không bị chảy nước.
Bạn sẽ đun một nồi nước sôi để chần qua dừa trong từ 1-2 phút. Bạn vớt dừa ra và để các sợi dừa khô ráo tự nhiên. Bạn không nên dùng khăn thấm nước vì sẽ dễ khiến sợi dừa bị gãy vụn.
Bước 2: Ướp dừa với đường
Bạn sẽ đổ đường vào dừa theo đúng tỉ lệ dừa:đường = 2:1. Bạn cũng có thể cho nhiều đường hơn để đường dễ kết tinh. Khi sên xong mứt thì rũ bớt đường rồi bảo quản, mứt cũng không bị quá ngọt. Tuy nhiên khi cho quá nhiều đường vào dừa thì mứt ra lò sẽ bị khô, giảm độ béo, ngậy.
Bạn nên ngâm dừa vào đường trong nồi hoặc chảo sâu lòng. Đường sử dụng làm mứt nên là đường kính trắng. Các loại đường khác có thể gây khó kết tinh hoặc làm mất màu trắng đặc trưng của mứt.
Bạn ướp đường thì nên đảo nhẹ tay để đường vừa ngấm đều nhưng không làm gãy sợi dừa. Nếu bạn dùng nồi để ướp thì nên cầm hai tai nồi và xóc đều. Bạn cần ngâm cùi dừa với đường trong khoảng từ 1-3 tiếng để đảm bảo cho đường tan hết. Thỉnh thoảng, bạn hãy kiểm tra nồi dừa, đảo nhẹ/xóc để đường tan và ngấm đều.
Bước 3: Sên mứt dừa
Bạn sẽ chọn chảo đáy dày và rộng để dễ đảo mứt. Bạn đổ hỗn hợp dừa ngâm đường vào chảo và rim trong lửa nhỏ để mứt chín đều. Trong thời gian đợi nước đường ngấm vào dừa, bạn chớ nên khuấy, đảo dễ làm gãy sợi dừa. Nếu có điều kiện thì bạn nên sên mứt dừa bằng bếp than, mứt sẽ ngon hơn và đẹp hơn.
Khi quan sát thấy đường bắt đầu sệt lại thì bạn dần hạ nhỏ lửa. Khi đường trong chảo bắt đầu sánh đặc lại, có bong bóng nhỏ sủi lên thì bạn tiến hành đảo. Bạn hãy đảo thật nhẹ và đều tay mỗi 2-3 phút một lần. Bạn đừng nên đảo kiểu xới tung lên nhé. Bạn chỉ nên một tay nắm chảo, một tay dùng đũa đảo sâu theo vòng tròn quanh thành chảo. Đảo thế này mứt không bị nát và đường sẽ ngấm được vào dừa nhiều hơn.
Bạn kiểm tra độ sánh của đường bằng cách chập hai đầu đũa, nhúng vào chỗ nhiều đường. Nếu bạn tách hai đầu đũa ra và thấy đường kéo thành sợi chỉ thì bạn sẽ tắt bếp sau 1-2 phút nữa. Bạn thấy giữa hai đầu đũa càng có nhiều sợi đường nghĩa là đường kết tinh càng tốt. Sau khi tắt bếp, bạn vẫn đảo vòng tròn. Bạn có thể dùng đũa gỡ, tách các sợi mứt ra rồi đảo tiếp. Đến khi thấy đường kết tinh, bám trắng đều trên từng sợi mứt, mứt khô cứng thì bạn dừng tay.
Bước 4: Hong khô mứt và đóng gói
Bạn đổ mứt ra khay to hoặc mâm inox rồi hong gió trước quạt để mứt khô hoàn toàn. Nếu muốn tăng thời gian bảo quản mứt, bạn có thể đem mâm mứt phơi nắng trên cao. Phơi trên cao để tránh bụi bay vào gây sạn cho món mứt. Khâu hong khô mứt vô cùng quan trọng đấy nhé. Nếu bạn không hong khô thì không để lâu được đâu. Mứt sẽ dễ bị chảy nước.
Khi mứt đã khô thì bạn có thể đem bảo quản trong lọ hay túi nilon. Ở đáy lọ hay đáy túi, bạn nên trải một lớp đường giúp hút ẩm, bảo quản mứt được lâu.
1.2 Cách làm mứt dừa nhiều màu
Để hòa vào không khí nhộn nhịp ngày Tết, mứt dừa cũng được tẩm thêm nhiều màu sắc sặc sỡ. Cách làm mứt dừa nhiều màu cũng giống với cách làm mứt dừa nhưng sẽ có thêm bước ướp màu.
1.2.1 Nguyên liệu làm mứt dừa nhiều màu
1.2.1.1 Nguyên liệu làm mứt dừa nhiều màu
Bạn sẽ cần 1kg cùi dừa và 500gr đường. Nếu bạn làm nhiều hơn hay ít hơn thì cứ đảm bảo đúng tỷ lệ dừa:đường là 2:1 là ổn.
1.2.1.2 Nguyên liệu tạo màu mứt dừa
Bạn nên dùng các chất tạo màu tự nhiên để đảm bảo sức khỏe. Trường hợp có một số chất tạo màu tự nhiên sẽ mang thêm hương vị mới cho mứt dừa. Chẳng hạn như cà phê, cacao,… Hiện trên thị trường đã có bán những loại bột rau củ quả sấy lạnh. Các loại bột này có thể dùng như chất tạo màu: bột rau má, bí đỏ, hoa đậu biếc,… Dưới đây mình sẽ gợi ý bạn những chất tạo màu tự nhiên thường dùng.
- Màu xanh: lá dứa hoặc bạn cũng có thể dùng bột trà xanh
- Màu đỏ: gấc hoặc củ dền
- Màu vàng: chanh dây hoặc nghệ. Ngoài Bắc còn có hạt dành dành tạo màu vàng rất tươi
- Màu cam: cà rốt hoặc nước cam, bột bí đỏ
- Màu tím: bạn có thể dùng lá cẩm, bắp cải tím hoặc nước dâu tằm. Hoa đậu biếc cũng cho sắc xanh tím bắt mắt.
- Màu hồng: dâu tây hoặc thanh long ruột đỏ
- Màu nâu: cà phê hoặc bột cacao
Bạn cũng có thể dùng các loại siro đặc để tạo màu, sẽ đỡ tốn công hơn.
1.2.2 Chi tiết 6 cách tạo màu cho mứt dừa
Cách làm mứt dừa nhiều màu cũng giống hệt với mứt dừa không màu. Chỉ có thêm bước tạo màu. Trong khi ướp dừa với đường, bạn cũng ướp thêm màu vào.
- Đối với củ dền, nghệ, bắp cải tím, cà rốt, dâu tây, dâu tằm thì bạn xay, vắt nước cốt.
- Lá dứa bạn cũng xay, lọc lấy nước cốt.
- Với cam, chanh dây thì bạn vắt, lọc lấy nước.
- Cà phê thì bạn pha, lọc phin. Các loại bột thì bạn hòa tan với nước.
- Đối với gấc, bạn sẽ lấy ruột, hòa tan vào nước, lọc lấy nước màu.
- Riêng lá cẩm và phải đun để sắc lấy nước màu.
Bạn lưu ý các chất tạo màu thêm vào mứt chỉ nên bằng khoảng 10% lượng đường. Nghĩa là cứ 250gr đường thì chỉ nên cho 20ml-25ml chất tạo màu (một muỗng rưỡi). Nếu bạn cho nhiều hơn thì đường sẽ khó kết tinh, dễ cháy. Chính vì vậy, nước màu bạn thêm vào nên được đảm bảo pha thật đặc.
2. Cách làm mứt dừa non với sữa đặc
Loại mứt dừa này có vị béo nhưng ngọt thanh thành ra ít ngán. Mứt dừa non với sữa đặc có thể được coi là ngon nhất trong các loại mứt dừa. Cách làm cụ thể ra sao các bạn cùng theo dõi dưới đây nhé!
2.1 Nguyên liệu làm mứt dừa non với sữa đặc
- 1 kg cùi dừa non. Bạn chọn dừa non có độ mềm vừa phải, mềm quá thì bị nhũn, mứt không thành hình được.
- 500gr-600gr đường kính trắng. Bạn có thể cho nhiều đường hơn nhưng tuyệt đối không được ít hơn.
- 50gr sữa đặc
- Ống vani để tăng hương vị cho mứt dừa
- 1 quả chanh
2.2 Chi tiết cách làm mứt dừa non với sữa đặc
Bước 1: Làm sạch cùi dừa
Bạn gọt sạch phần vỏ nâu bên ngoài cùi dừa. Sau đó bạn ngâm cùi dừa vào chậu nước có vắt nửa quả chanh để giữa màu dừa trắng. Sau khi bạn vớt ra hãy thái những miếng dầy khoảng 1cm. Khi bạn sên mứt sẽ teo bớt lại nên bạn tránh thái quá mỏng.
Thái xong dừa thì bạn đem hết chỗ cùi dừa đi rửa. Bạn nên rửa đi rửa lại cho đến khi nước rửa trong để loại hết dầu dừa. Thường là bạn sẽ phải rửa qua từ 8-10 lần.
Bước 2: Ướp dừa với đường
Bạn ướp dừa trong nồi hoặc chảo theo đúng tỷ lện dừa:đường là 2:1. Khi ướp bạn cần tránh đảo trộn mạnh tay làm đứt các sợi dừa. Bạn ướp hỗn hộp dừa, đường trong khoảng từ 4-5 tiếng để dừa ngấm đường.
Ở bước này, bạn cũng có thể ướp thêm các chất tạo màu như mứt dừa thường. Tuy nhiên với lượng dừa và đường thế này, bạn chỉ nên ướp khoảng 100ml chất tạo màu thôi. Ướp nhiều hơn thì đường sẽ không đảm bảo được độ kết tinh.
Bước 3: Sên mứt dừa
Bạn nên dùng chảo chống dính hoặc chảo nhôm đế rộng, dày để sên. Sên mứt bằng chảo đế dày sẽ giúp mứt dừa được áo lớp đường bông hơn. Bạn rim dừa đến khi thấy phần nước đường sôi lăn tăn thì vặn nhỏ lửa. Bạn hòa 50gr-100gr sữa đặc với chút nước và đổ vào chảo mứt. Nếu cho sữa vào sớm quá thì mứt sẽ bị vàng.
Bạn đảo đều tay cứ 5 phút/lần để các sợi dừa ngấm đều đường và sữa. Khi bắt đầu thấy đũa đảo nặng tay, bạn tiếp tục cho nhỏ lửa và đảo thật đều. Bạn đảo đều nhưng đừng mạnh tay quá sẽ làm gãy sợi dừa.
Khi thấy đường bắt đầu bông lên thì bạn tắt bếp, bắc chảo/nồi xuống. Bạn cho vào nồi mứt ống vani rồi đảo cho đến khi tất cả đường kết tinh bám đều dừa. Khi đường trong chảo bông hết hoàn toàn thì bạn đổ dừa ra khay.
Bước 4: Hong khô và đóng gói
Bạn để khay mứt trước quạt để hong khô. Vì mứt dừa non sợi dày hơn mứt dừa thường nên bạn hãy đeo bao tay đảo trộn khi hong. Bạn vun sốc liên tục tới khi mứt khô hẳn. Sau đó bạn có thể đem phơi nắng hoặc hong quạt 2-3 tiếng nữa để giữ mứt lâu hơn .
3. Cách làm mứt dừa hoa cúc
Mứt dừa hoa cúc thực chất cũng là mứt dừa thường nhưng có hình dạng hoa cúc, bắt mắt hơn.
3.1 Nguyên liệu làm mứt dừa hoa cúc
Nguyên liệu cũng giống hệt mứt dừa thường: 1kg cùi dừa bánh tẻ và 500gr đường kính trắng. Bạn cũng sẽ cho thêm vani để tạo mùi thơm cho mứt dừa. Bạn có thể cho thêm chất tạo màu để mứt thêm phần vui mắt.
3.2 Chi tiết cách làm mứt dừa hoa cúc
Các bước chế biến mứt dừa hoa cúc giống hệt mứt dừa thường. Làm mứt dừa hoa cúc chỉ khác ở khâu cắt dừa và sên dừa.
Cụ thể bạn sẽ cắt dừa thành từng miếng hình chữ nhật, chiều dài bằng 2.5 đốt ngón tay. Bạn sẽ cắt những miếng dừa này theo chiều dài thành những miếng mỏng. Các miếng dừa này không được đứt rời ra, còn cách phần gốc 3mm. Mỗi miếng dừa to, bạn sẽ tỉa được khoảng 12-15 cánh dừa. Kế đó bạn cũng rửa trôi sạch dầu dừa và chần qua nước sôi, để ráo cùi dừa.
Bạn ngâm đường và màu cho phần cùi dừa theo đúng tỷ lệ làm mứt dừa thông thường. Bạn chú ý nhẹ tay để không làm đứt mất tạo hình các cánh dừa. Bạn cũng ngâm trong khoảng 3 tiếng.
Bạn sên mứt giống mứt dừa sợi. Khi đường bắt đầu kết tinh, các sợi dừa tách rời nhau thì bạn tắt bếp, bắc nồi xuống. Bạn sẽ đeo găng tay nilon và đảo mứt, giũ các miếng mứt cho đến khi khô. Trong khi mứt vẫn còn ấm, bạn sẽ uốn các cánh dừa vào trong để tạo hình cánh hoa cúc.
Khi khi tạo hình, bạn bày lên khay và hong quạt hoặc phơi nắng. Mứt sẽ khô hẳn sau từ 1 đến 2 tiếng. Lúc này bạn có thể đựng vào túi hay hộp để dùng dần.
4. Cách làm mứt dừa viên
4.1 Nguyên liệu làm mứt dừa viên
Bạn vẫn áp dụng công thức 2 phần cùi dừa bánh tẻ và 1 phần đường kính trắng. Vani cùng các chất tạo màu sẽ được thêm vào để tăng hương vị.
4.2 Chi tiết cách làm mứt dừa viên
Cách làm mứt dừa viên sẽ giống hệt mứt dừa sợi. Có điều thay vì bào sợi cùi dừa, bạn thái nhỏ cùi dừa thành những miếng vuông 1cm. Với mứt dừa viên, bạn sẽ ướp đường lâu hơn mứt dừa sợi để dừa ngấm đường hơn. Tức là thời gian ướp đường chừng 4 tiếng đến 5 tiếng. Bạn vẫn sên và hong khô mứt y hệt làm mứt dừa sợi sau khi ngâm nhé!
5. Yêu cầu thành phẩm với các cách làm mứt dừa như trên
5.1 Yêu cầu thành phẩm về hình dạng
- Sợi mứt dừa không bị gãy vụn, không được quá dày.
- Đường phải bông lên, bám đầy những hạt li ti trên sợi/viên mứt.
- Nếu là mứt dừa hoa cúc thì các cánh hoa cúc phải có kích thước đều nhau, uốn đẹp mắt.
- Nếu là mứt dừa non với sữa đặc thì phải dẻo, khó gãy.
- Mứt dừa viên thì phải giữ được kích thước đều, không bị nhỏ vụn hoặc quá to.
5.2 Yêu cầu thành phẩm về mùi vị
- Mứt dừa không được quá ngọt, dễ gây ngán.
- Bạn cũng hạn chế cho quá nhiều sữa vì mứt bị ngậy, ăn ngán.
- Các loại chất tạo màu nếu không dậy mùi thì nên cho thêm vani để tăng mùi thơm.
5.3 Yêu cầu thành phẩm về màu sắc
- Nếu là mứt không chất tạo màu thì phải có màu trắng tươi, tránh để mứt bị vàng.
- Mứt có chất tạo màu phải lên đều màu, tươi sáng, rực rỡ.
5.4 Yêu cầu thành phẩm về thời gian bảo quản
- Mứt dừa tự làm thường bảo quản được khoảng trong một tháng.
- Trong thời gian này nếu bạn thấy mứt có hiện tượng chảy nước, có thể đem sên lại.
6. Cách làm mứt dừa ngon dù đã lỡ làm hỏng một công đoạn nào đó
Nếu bạn nhỡ bỏ quên nồi dừa ngâm đường hẳn một ngày trời thì nên bỏ luôn mẻ dừa này. Vì có sên lâu thế nào đường cũng sẽ không kết tinh. Hỗn hợp này sẽ chỉ chuyển thành dạng dinh dính và có mùi thiu nhẹ, không ăn được.
Nếu mứt vì thiếu đường mà không kết tinh được, bạn có thể đổ thêm đường vào để sên.
Khi sên mà đường keo lại nhưng không kết tinh thì bạn nên dừng sên. Bạn hãy rửa hết phần đường đó đi rồi sên lại với phần đường mới đúng theo tỷ lệ. Bạn cũng cần chú ý để lửa thật nhỏ khi sên lại.
Khi mứt bị chảy nước, bạn có lò sấy có thể sấy mứt ở 100 độ C trong 15 phút. Sau khi sấy xong thì bạn đem hong khô với quạt gió rồi bảo quản.
Nếu bạn đã sấy lại nhưng mứt vẫn chảy nước thì bạn hãy bỏ vào chảo sên lại. Sên xong bạn đừng quên hong quạt cho khô hẳn mới đóng gói.
7. Những lưu ý khi làm mứt dừa
7.1 Khi sơ chế cùi dừa
Bạn không nên chọn dừa già để làm mứt vì mứt thành phẩm sẽ rất khô, cứng.
Sau khi cạo hết vỏ nâu, bạn có thể ngâm cùi dừa với nước chanh để giữ màu trắng.
Bạn làm mứt dừa sợi thường thì nên bào mỏng để dễ rửa trôi dầu và dễ ngấm đường.
7.2 Khi ướp dừa
Mứt dừa non và mứt dừa viên dày hơn mứt dừa sợi thường. Vì thế khi rửa và ngâm đường cũng cần nhiều thời gian và làm kỹ hơn. Thường bạn sẽ mất khoảng 4-5 tiếng cho công đoạn này.
Khi ướp bạn không nên đảo mạnh tay vì có thể làm gãy sợi dừa, nát dừa. Cần chú ý ướp đúng tỷ lệ đường và các chất tạo màu.
7.3 Khi sên mứt dừa
Bạn nên sên bằng bếp than để có thành phẩm mứt dừa ngon nhất.
Bạn có thể cho sữa tươi hoặc sữa đặc khi sên mứt để tăng độ béo, ngậy. Tuy nhiên bạn chỉ thêm sữa vào sau khi đường chuẩn bị kết tinh để mứt không bị cháy vàng.
Nếu bạn muốn sên thêm mẻ mứt nữa thì nên rửa sạch chảo rồi sên tiếp. Những phần đường còn trong chảo có thể khiến mẻ mứt sên sau bị cháy khét.
7.4 Khi hong khô và bảo quản
Khâu hong khô mứt sau khi sên rất quan trọng. Phải hong khô trước quạt hoặc phơi nắng trong từ 1–2 tiếng để mứt khô hoàn toàn. Nếu không có bước này, mứt rất nhanh bị chảy nước. Bạn cũng nên để khay mứt ở chỗ cao, thoáng vì mứt mới sên dễ bắt bụi.
Bạn bảo quản mứt dừa trong hũ hoặc túi nilon đều được nhưng phải đảm bảo kín gió. Đồ đựng không kín thì mứt cũng mau chảy nước hoặc đổ dầu. Bạn có thể rải một lớp đường dưới đáy lọ, túi để hút ẩm.
Khi lấy mứt ra ăn thì nên nhanh chóng đậy hộp hoặc cột túi cẩn thận, tránh gió vào, làm mứt chảy nước.
Bạn cũng nên bảo quản mứt dừa trong tủ lạnh để giữ mứt khô, dùng được lâu hơn.
Nếu phát hiện mứt bị chảy nước, bạn có thể phơi nắng hoặc đem sên lại.
8. Những lưu ý khi ăn mứt dừa
Đây là món ăn chơi ngày Tết rất khó cưỡng, ăn rồi sẽ muốn ăn hoài. Tuy nhiên bạn cần chú ý những điều sau khi ăn mứt dừa:
Những người bị tiểu đường nên hạn chế hoặc tốt nhất không ăn mứt dừa.
Những người béo phì hay tăng cân nhanh thì nên hạn chế ăn mứt dừa cũng như các loại mứt khác. Thay vào đó thì nên ăn trái cây tươi để hấp thụ được các vitamin của trái cây.
Cứ 100gr mứt dừa sẽ chứa khoảng 500kcal, bằng năng lượng cho bạn chơi một trận tennis. Vì thế bạn nên hạn chế ăn nhiều nếu không muốn tăng cân.
Mứt dừa là món mứt truyền thống ngày Tết rất dễ thực hiện. Bạn hoàn toàn có thể trổ tài làm mứt để chiêu đãi mọi người hoặc đem biếu người thân yêu. Hy vọng bài chia sẻ này giúp các bạn tự làm được một mẻ mứt “ra gì và này nọ”. Chúc các bạn có một cái Tết thật ngọt ngào, ấm cúng bên gia đình!