1. Đôi nét về chùa Dơi Sóc Trăng
Chùa Dơi Sóc Trăng mang đậm dấu ấn của người Khmer. Tên chùa Dơi thật ra là Wathserâytêchô – Mahatup (Phiên âm từ tiếng Khmer). Dân cư vùng này thì không chỉ có người Khmer mà còn có cả người Kinh và người Hoa. Thành ra dần dà họ đọc trại tên chùa thành chùa Mã Tộc. Dân gian quen gọi là chùa Dơi vì trong chùa có rất nhiều dơi, sống hòa hợp với các sư thầy ở đây.
Quần thể kiến trúc chùa Dơi nằm lọt thỏm trong một khuôn viên rộng 4 hecta. Nơi đây trồng nhiều cây cổ thụ càng làm tăng thêm vẻ cổ kính, huyền bí. Tổng thể kiến trúc này bao gồm các công trình: ngôi chánh điện, sala, nhà hội, phòng ở của các sư thầy, tháp để tro người chết, phòng khách.
Chùa Dơi độc đáo bởi nét kiến trúc hòa trộn giữa hai nền văn hóa Việt Nam – Camphuchia. Toàn bộ kiến trúc chùa Dơi được phủ màu vàng cam đặc trưng cho văn hóa Khmer. Các cổng phụ có tượng rắn naga 5 đầu phồng mang trợn mắt canh gác. Các mái chùa được chạm khắc hết mực tinh xảo với biểu tượng rắn naga. Trên mỗi cột đỡ bao quanh chùa đều có gắn một bức tượng tiên nữ Kemnar chắp tay trước ngực như đang đón chào lữ khách.
2. Chùa Dơi ở đâu? Đến chùa Dơi bằng cách nào?
Chùa Dơi tọa lạc trên đường Văn Ngọc Chính, khóm 9, phường 3, thành phố Sóc Trăng, cách trung tâm thị xã khoảng 2km. Từ TP. Hồ Chí Minh, bạn có thể đến đây bằng xe khách sau 6 tiếng di chuyển, giá vé từ 160k – 200k.
Còn nếu bạn đi xe máy thì bạn sẽ đi đến Cần Thơ. Sau khi qua cầu Cần Thơ, bạn rẽ trái đi thêm khoảng gần 70km nữa là tới Sóc Trăng. Kế tiếp, bạn có thể tới chùa Dơi bằng xe máy với lộ trình như sau từ trung tâm Sóc Trăng:
+ Đi về hướng Nam tầm 800m để đến đường Hai Bà Trưng rồi rẽ vào Trần Hưng Đạo
+ Đi trên Trần Hưng Đạo khoảng 800m nữa để tới vòng xuyến
+ Bạn đi trong vòng xuyến rẽ vào Lê Hồng Phong chạy thêm 850m nữa rồi rẽ phải vào Văn Ngọc Chính. Bạn đi khoảng 1km nữa để đến chùa Dơi.
3. Tại sao lại gọi là chùa Dơi?
Gọi là chùa Dơi vì trong chùa có đến hàng vạn con dơi sinh sống từ bao đời. Có đợt, chùa thu hút đến cả triệu con dơi. Điều kỳ lạ là những con dơi này chỉ chọn chùa Dơi làm nơi sinh sống dù ở Sóc Trăng vẫn còn rất nhiều ngôi chùa khác có vườn cây rộng lớn, thuận lợi để ở. Dơi ở đây thuộc loài dơi quạ, mỗi con nằng từ 1kg đến 1.5 kg. Chúng treo mình trên cành cây suốt ngày rồi đến 6h tối bay đi kiếm ăn. Chúng sẽ quay trở lại vào 5h sáng hôm sau để treo mình lủng lẳng, nghỉ ngơi trên cành cây.
Việc dơi chọn tá túc chỉ trong chùa Dơi không phải là điều kỳ lạ duy nhất. Chúng tuyệt nhiên chưa bao giờ ăn hoa quả ở trong chùa và trong vườn cây của cư dân lân cận. Chúng thường bay đi tận vùng đồng bằng quanh sông Tiền, sông Hậu để kiếm ăn. Bầy dơi cũng không bào giờ bay thẳng qua nóc ngôi chính diện chùa mà toàn khéo bay lượn vòng qua đó.
Có lẽ chúng cũng cảm nhận được tấm lòng người nhà Phật dành cho mình. Các sư thầy ở đây cho rằng việc dơi cư trú tại đây là dấu hiệu của phúc lành. Họ rất quý mến và cố gắng bảo vệ bầy dơi. Người dân ở đây cũng rất quý bầy dơi. Họ chung sống hòa hợp với chúng như thể với những vật nuôi thân thuộc trong nhà.
4. Chùa Dơi – Ngôi chùa cổ nhất Sóc Trăng
4.1 Sơ lược lịch sử chùa Dơi
Chùa Dơi (Wathserâytêchô – Mahatup) là ngôi chùa cổ nhất Sóc Trăng. Chùa đã được xây dựng từ cách đây 440 năm, nghĩa là vào tận năm 1569. Từ đó đến nay, dù trải qua rất nhiều thăng trầm lịch sử, thậm chí bị cháy chánh điện vào năm 2008, chùa vẫn được trùng tu, phục chế lại như cũ và thu hút nhiều khách tham quan như hiện tại.
Chùa Dơi từ lúc hình thành đến giờ đã trải qua 19 đời Đại Đức. Các văn bản lưu trữ lại thông tin về những đời Đại Đức của chùa được ghi trên lá thốt nốt nên cũng đã không bảo quản được, mục nát hết cả. Hiện chỉ còn ghi nhận được thông tin về 8 đời Đại Đức (từ đời thứ 12 đến đời thứ 19). Loài dơi ở đây cũng đã sinh sống từ thời Đại Đức đầu tiên cho đến nay.
4.2 Chùa Dơi được xây dựng trên vùng đất phúc
Từ Mahatup theo tiếng Khmer có nghĩa là trận kháng cự lớn (Tup: kháng cự; Maha: lớn). Nơi đây từng là trận địa của phong trào nông dân đấu tranh chống phong kiến. Nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra, nhiều nơi khác bị đàn áp nhưng phong trào nông dân khởi nghĩa lại toàn thắng trên vùng đất này. Dân cư ở đây cho rằng vùng đất này có điềm lành nên họ xây chùa thờ Phật.
Trùng hợp là theo quan niệm của người Hoa thì con dơi là điềm phúc. Dơi ở chùa Dơi còn treo ngược lủng lẳng khắp chùa ngụ ý chữ phúc treo ngược, nghĩa là “phúc đáo”, tức “phúc đã đến rồi”. Người Việt mình thì lại cho rằng “đất lành chim đậu”. Phải chăng dù trong nền văn hóa nào, vùng đất này cũng đã có đầy đủ dấu hiệu của một vùng đất lành, đất phúc?
5. Chùa Dơi Sóc Trăng còn có câu chuyện bí ẩn nào?
Phía sau chùa Dơi có những ngôi mộ kỳ lạ. Trên mỗi ngôi mộ đều có vẽ hình của 1 con heo, heo 5 móng (heo thường chỉ có 3 móng). Những con heo này được sư thầy nuôi và khi chết được lập mộ chôn tại đây. Hiện cũng có những khách du lịch thắp nhang cầu khấn tại mộ của heo 5 móng nhằm mong được ban cho những con số “thần tài”, “độc đắc”.
Theo người Khmer thì loài heo 5 móng là khắc tinh của loài người. Con heo 5 móng sẽ mang điềm xúi quẩy đến cho gia đình nào nuôi phải nó. Họ sẽ gặp bất hạnh, gia đình lục đục, xào xáo. Vì vậy, họ sẽ đem những con heo “thành tinh” này vào chùa cho các sư thầy nuôi. Từ 20 năm trước, họ đã luôn gửi nhờ heo 5 móng vào chùa cho đến bây giờ.
Để thỏa cơn tò mò, bạn có thể vòng ra sau chùa để thăm mộ của những chú heo 5 móng này và cả chuồng hiện đang nuôi heo 5 móng. Chùa Dơi quả thật là một ngôi chùa kỳ lạ vì là nơi trú ngụ của cả loài vật tượng trưng cho điềm phúc (dơi) lẫn loài vật tượng trưng cho điềm gở (heo 5 móng).
6. Nên đến chùa Dơi vào khoảng thời gian nào?
Nếu bạn muốn tham gia các lễ hội tại chùa thì nên di vào mùa xuân. Vì vào mùa xuân, phật tử thập phương sẽ ghé thăm nơi đây để tham gia vào các lễ hội. Không khí sẽ rất náo nhiệt, vui vẻ.
Bầy dơi sinh sản vào đầu tháng 5 âm lịch và các con non sẽ bắt đầu tập bay khoảng 3 tháng sau đó. Nên nếu bạn muốn đến chùa Dơi để xem bầy dơi đông đúc thì nên đến đây vào khoảng tháng 8. Bạn sẽ được chứng kiến cảnh bầy dơi khổng lồ đu đưa, ngủ nghỉ trên cành cây cả ngày. Chúng chí chít gọi đàn, rộn ràng bay đi rợp bóng hoàng hôn vào lúc chiều tà.
Lễ hội đặc sắc nhất ở đây phải kể đến ngày lễ Kathina. Lễ hội được tổ chức bắt đầu từ ngày 15/9 đến 15/10 âm lịch. Trong dịp lễ này, người dân cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, phum, sóc yên vui, hạnh phúc. Dân cư ở đây sẽ tổ chức lễ hội dâng bông, dâng y cà sa tại chùa Dơi.
7. Những trải nghiệm thú vị khu vực lân cận chùa Dơi Sóc Trăng?
7.1 Lễ hội Ok Om Bok
Trước khi tới chùa Dơi Sóc Trăng tham gia lễ Kathina, bạn hãy tham gia một lễ hội lớn trước đó của người Khmer ở đây: lễ hội Ok Om Bok. Đây là lễ cúng trăng, cầu nguyện tạ ơn mùa màng tốt tươi. Lễ hội này diễn ra hàng năm vào ngày rằm tháng 10 âm lịch. Lễ hội gồm 2 hoạt động đặc sắc chính là đua ghe ngo và thả đèn nước.
7.1.1 Đua ghe ngo
Đua ghe ngo là nghi thức truyền thống mang ý nghĩa tiễn đưa thần nước về với biển cả. Đồng thời hoạt động này cũng mang ý nghĩa tưởng nhớ thần rắn Naga đã biến thành khúc gỗ đưa Đức Phật qua sông. Các đội đua từ nhiều huyện, tỉnh lân cận tập hợp lại cùng thi đua với nhau. Không khí quanh cả khúc sông sẽ vô cùng tưng bừng, nhộn nhịp, phấn khởi.
7.1.2 Thả đèn nước
Nghi thức này tạo nên một trải nghiệm ánh sáng lung linh, mộng mơ, xinh đẹp giữa lòng sông. Đèn nước được làm từ cây chuối hoặc tre, trang trí nhiều hoa văn lạ mắt. Bên trong đèn thắp nhiều nến và chất đầy các vật phẩm (hoa trái, gạo, muối…) dâng cúng thần linh để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
7.2 Ẩm thực Sóc Trăng
7.2.1 Bánh pía
Bánh này chắc hẳn các bạn từng nghe qua rồi vì đây là đặc sản nổi tiếng của Sóc Trăng. Món bánh này thể hiện sự giao thoa giữa tinh hoa ẩm thực của người Hoa (người Triều Châu) và sản vật đặc sắc miền Tây (sầu riêng). Pía theo tiếng Triều Châu nghĩa là bánh. Bánh này ăn vừa mềm vừa thơm, lại không hề gây ngán. Bạn đừng bỏ qua món đặc sản này nhé!
7.2.2 Mắm cá lóc chiên
Sóc Trăng còn nổi tiếng với chợ nổi ngã Năm. Nếu bạn đã ghé thì không thể nào không thử qua món mắm cá lóc chiên. Mắm này được ủ từ cá lóc đồng, nguồn thủy sản dồi dào của vùng sông nước trù phú nơi đây nên cứ gọi là bá cháy. Mắm cá lóc chiên sẽ ăn kèm với các loại rau thơm, dưa leo, chuối chát, dứa và cơm trắng. Đảm bảo ăn vào siêu tốn cơm, muốn ăn mãi không thôi.
7.2.3 Bún nước lèo
Món này cũng là một món bún trứ danh của Sóc Trăng. Bún nước lèo ngon thì nước dùng sẽ trong veo, không có cặn, thơm phức mùi mắm. Nhân bún cũng gồm những món tươi ngon đặc trưng như heo quay, tôm tươi, cá lóc giòn dai, hòa quyện tinh tế với nước dùng đậm đà, nồng đượm. Quán bún nước lèo ngon phải kể đến quán Cây Nhãn trên đường Võ Đình Sâm , TP. Sóc Trăng hoặc bạn có thể hỏi người dân địa phương để có trải nghiệm chân thực hơn.
7.2.4 Bánh cóng
Bánh cóng hay còn gọi là bánh cống, bánh sầy/sài cũng là một trong những món ăn đặc trưng của người Khmer. Sở dĩ gọi là bánh cóng vì khuôn làm bánh này người Khmer gọi là cái cóng. Bánh cóng làm từ bột gạo với đậu nành và trứng. Phần nhân gồm tôm tươi, thịt heo bằm ướp gia vị với đậu xanh hấp. Món này ăn kèm rau sống, rau thơm và nước mắm chua ngọt. Món bánh này là đặc sản Cần Thơ cũng như Sóc Trăng.
7.3 Quà lưu niệm – đặc sản Sóc Trăng
Bạn có thể ghé chợ Sóc Trăng nằm ngay trung tâm Sóc Trăng để mua những món quà lưu niệm đặc trưng của vùng đất này như bánh pía, mắm, lạp xưởng, tôm khô, cá khô. Hoặc những món thủ công mỹ nghệ độc đáo cũng là lựa chọn không tồi để làm quà cho người ở nhà. Vì vùng đất này là nơi giao thoa văn hóa của 3 dân tộc: Kinh, Hoa và Khmer.
Sóc Trăng là một vùng đất xinh đẹp bởi sự giàu có, trù phú cả sản vật lẫn giá trị văn hóa. Con người sống vui vẻ, hòa hợp với thiên nhiên. Chùa Dơi cổ kính, huyền bí nhưng lại vô cùng gần gũi, an bình luôn đón chào bạn. Bạn còn chần chừ gì mà không xách ba lô lên và đi khám phá?