1. Giới thiệu sơ nét tỉnh Bạc Liêu
Du lịch Bạc Liêu có gì chơi? Rất, rất nhiều nơi để chơi, để xem, để ăn nhưng trước hết chúng ta hãy cùng tìm hiểu những điều cơ bản nhất về vùng đất này.
1.1 Vị trí địa lý
Bạc Liêu là một tỉnh nằm trên bán đảo Cà Màu, thuộc duyên hải vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Tỉnh Bạc Liêu có diện tích đất tự nhiên 2.669km2, rộng lớn xếp thứ 7 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bạc Liêu có 156 km bờ biển nên có nguồn lợi hải sản rất phong phú, đa dạng.
1.2 Cư dân Bạc Liêu
Bạc Liêu là vùng đất giàu có về giá trị văn hóa. Vì đây có nhiều cộng đồng người khác nhau sinh sống: Khmer, Hoa, Chăm, Việt,… Dân cư Bạc Liêu thật thà, phóng khoáng, hào sảng đúng chất Nam Bộ. Nơi đây cũng vô cùng nổi tiếng vì những giai thoại về chàng công tử Bạc Liêu giàu có, hết mực chịu chơi. Bạc Liêu cũng là quê hương của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ông là người đã sáng tác ra điệu “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng khắp Việt Nam.
1.3 Nét văn hóa đặc trưng ở Bạc Liêu
Du lịch Bạc Liêu Bạc Liêu, du khách sẽ có cơ hội được thưởng thức những bản đờn ca tải tử đượm tình Nam Bộ. Du khách sẽ mê mệt những cảnh chùa cổ kính, huyền bí nơi đây. Văn hóa ẩm thực Bạc Liêu cũng vô cùng đậm đà, đặc sắc, rất khó quên. Đặc biệt là những món ăn chế biến từ các loại mắm, có thể coi như quốc hồn quốc túy Bạc Liêu.
2. Nên tham quan, du lịch Bạc Liêu vào thời điểm nào?
Khí hậu Bạc Liêu chia ra 2 mùa: mùa nắng (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau) và mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11). Bạn thích khoảng thời gian nào hơn thì hãy ghé thăm lúc đó nhé!
Du lịch Bạc Liêu có dịp lễ hội đặc trưng của văn hóa Khmer là Ok Om Bok. Lễ hội được tổ chức từ 15/9 đến 10/9 âm lịch hàng năm để cầu nguyện mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Tham quan Bạc Liêu thời điểm này bạn sẽ được hòa mình vào không khí lễ hội náo nhiệt đậm chất Khmer.
Người dân gốc hoa ở Bạc Liêu cũng tổ chức cúng vía bà Địa Mẫu ở Địa Mẫu Cung vào các ngày 17, 18, 19 tháng 10 âm lịch. Lễ hội có các tiết mục cải lương, tuồng cổ mang đậm nét văn hóa sông nước miền Tây. Nếu bạn cũng yêu thích các loại hình nghệ thuật dân gian này thì hãy tham quan Bạc Liêu vào thời điểm này.
3. Du lịch Bạc Liêu bằng phương tiện gì?
Du lịch Bạc Liêu có 11 điểm tham quan du lịch cực kỳ lý thú đang đợi bạn lên đường khám phá. Bạn sẽ đi phương tiện nào?
3.1 Di chuyển bằng xe máy
Bạn đi phượt từ Sài Gòn đến Bạc Liêu bằng xe máy nên chú ý bảo trì xe kỹ càng trước chuyến đi. Để phượt đến Bạc Liêu thì bạn sẽ đi theo lộ trình sau xuất phát từ Bình Chánh:
+ Bạn đi vào quốc lộ 1A từ cầu Bình Thuận. Sau đó bạn đi qua cầu Bến Lức, qua luôn cầu Tân An để đến Long An.
+ Kế đến bạn đi thẳng đến Tiền Giang. Bạn tiếp tục vượt 16km đến thành phố Mỹ Tho, rẽ phải hướng quốc lộ 1A
+ Sau khi qua thêm cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ, bạn vượt tiếp 10km quốc lộ 1A tới Hậu Giang. Rồi bạn cứ thẳng tiến trên đường đó đến thị xã Ngã Bảy. Sau khi qua địa phận tỉnh Sóc Trăng, bạn sẽ đến Bạc Liêu.
3.2 Du lịch Bạc Liêu bằng xe khách
Từ trung tâm Sài Gòn, xe khách sẽ đến Bạc Liêu sau khoảng 5h, vượt qua quãng đường dài khoảng 290km. Giá vé xe dao động trong khoảng từ 190k/vé đến 210k/vé. Dịp Lễ Tết có thể giá vé sẽ tăng.
3.3 Máy bay nếu đi từ miền Bắc
Bạn có thể du lịch Bạc Liêu từ Hà Nội bằng máy bay. Chuyến bay từ sân bay quốc tế Nội Bài – Cà Mau sẽ có giá vé dao động từ 1.9 triệu/vé đến 2.1 triệu/vé. Khi đến nơi bạn bắt xe khách đi Bạc Liêu, sẽ mất khoảng 1h30’.
4. Bạc Liêu có gì chơi? – Các điểm tham quan du lịch
4.1 Các địa điểm tham quan nổi tiếng
4.1.1 Du lịch Bạc Liêu đến các địa điểm tham quan du lịch tôn giáo
4.1.1.1 Chùa Cù Lao (hay còn có tên khác là chùa Ghositaram)
Chùa Ghositaram, hay còn gọi là chùa Cù Lao tạo lạc ở đại chỉ ĐH12, đường Hưng Hội, Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Đây được xem là một trong những ngôi chùa Khmer có kiến trúc đẹp nhất đồng bằng sông Cửu Long. Chùa có màu sắc rực rỡ nhưng lại rất hài hòa với cảnh quan xung quanh.
Khắp chùa được các nghệ nhân Khmer khéo léo trạm trổ những hoa văn phức tạp, tinh xảo, độc đáo có một không hai. Chùa có diện tích lên đến 427,5m2, cao trên 36m. Vì thế không ngạc nhiên gì khi ngôi chánh điện chùa Cù Lao được công nhận lớn nhất Việt Nam.
Trên các hàng cột trụ được gắn nhiều bức phù điêu kể về các tích cuộc đời của Đức Phật và giáo lý đạo Phật. Để đạt được vẻ đẹp này, các nghệ nhân đã tốn đến 4 năm làm việc. Họ miệt mài hoàn tất các họa tiết, hoa văn trang trí trong toàn cảnh chùa. Nơi đây không chỉ là một địa điểm du lịch tôn giáo mà còn có thể xem như một bảo tàng mỹ thuật trưng bày tài năng của các nghệ nhân Khmer.
4.1.1.2 Bạc Liêu có gì chơi – Chùa Xiêm Cán
Chùa Xiêm Cán là công trình kiến trúc Phật Giáo cổ và lớn bậc nhất đồng bằng sông Cửu Long. Chùa tọa lạc tại xã Hiệp Thành, cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 7km. Chùa nằm trên cùng con đường dẫn tới vườn nhãn cổ Bạc Liêu.
Chùa Xiêm Cán được xếp vào hàng đẹp nhất, lộng lẫy nhất trong số những ngôi chùa có lối kiến trúc Khmer cổ ở Nam Bộ. Chùa hiện đã tồn tại hơn một thế kỷ. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc Angkor, Campuchia. Những đặc điểm kiến trúc đặc sắc nhất ở đây là những hoa văn, họa tiết trang trí khắp các mái vòm, tường bao, cột kèo. Đặc biệt khu vực tường bao quanh chùa chạm khắc rắn thần sắc sảo, bắt mắt, ấn tượng.
Bạn nên đến tham quan chùa vào những dịp lễ Tết như Ok Om Bok, Tết Chol Chnam Thmay, lễ Đôn Ta để cùng hòa mình vào không khí lễ hội đậm chất Khmer. Những ngày lễ này, chùa Xiêm Cán trở nên vô cùng lộng lẫy rộn ràng bởi các chương trình ca hát, vũ hội, dâng hoa, dâng y,…
4.1.1.3 Chùa Phật Bà Nam Hải
Chùa Phật Bà Nam Hải nằm trên đường Đê Biển, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu, cách thành phố Bạc Liêu 8km. Địa danh này còn được gọi với cái tên Quan Âm Phật Đài. Đây cũng là một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng khắp Tây Nam Bộ.
Khi bước chân vào chùa, bạn sẽ bị ấn tượng ngay với tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát cao đến 11m. Bức tượng uy nghi đứng giữa một không gian thoáng đãng, lộng gió hướng nhìn ra biển Đông. Sở dĩ tượng Phật Bà Quan Âm hướng ra biển Đông là để bảo vệ những ngư dân đang mưu sinh ngoài biển khơi.
Trong thời gian mới xây dựng, tượng đài Phật Bà được đặt sát mé biển. Thế nhưng mỗi khi thủy triều lên thường gây úng ngập. Hiện vị trí đặt tượng đài đã cách bờ biển cả cây số do sự bồi đắp của thiên nhiên qua nhiều năm. Đến năm 2004, khu vực chùa được mở rộng ra, các hạng mục công trình dần được hoàn thiện.
4.1.1.4 Nhà thờ cha Diệp (Giáo xứ Tắc Sậy – Bạc Liêu)
Bạc Liêu có gì chơi? Không chỉ có các điểm tham quan du lịch Phật giáo mà còn có cả địa điểm tham quan Thiên Chúa Giáo. Địa chỉ nhà thờ cha Diệp: Ấp 2, QL1A, xã Tân Long, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Nhà thờ này được xem là có kiến trúc đẹp nhất trong các tỉnh miền Tây. Hàng năm nơi đây thu hút rất nhiều du khách tham quan. Du khách không chỉ tới đây để tham quan du lịch mà còn có những tín đồ đến để xin ơn. Nơi đây nổi tiếng do có những người đã đến xin ơn và được ơn. Dần dà, người này mách người kia, một đồn mười, mười đồn trăm, nhà thờ được nhiều người biết đến.
Sở dĩ nhà thờ còn có cái tên khác là Tắc Sậy vì có một lối đi tắt dẫn đến nhà thờ nằm giữa đám lau sậy. Vì phát âm của người dân đọc bị trại chữ “tắt sậy” nên nhà thờ còn được gọi là nhà thờ Tắc Sậy Bạc Liêu.
Tại đây đặt mộ phần của cha Trương Bửu Diệp, người có công lớn với các tín đồ công giáo. Cha đã hy sinh thân mình, tử vì đạo để cứu giáo dân. Khi vào nhà thờ bạn cũng sẽ được thuyết minh về cuộc đời của cha Bửu Diệp với nhiều câu chuyện cảm động.
4.1.2 Các địa điểm du lịch sinh thái Bạc Liêu có gì chơi?
4.1.2.1 Vườn chim Bạc Liêu
Vườn chim Bạc Liêu thuộc tỉnh Nhà Mát, nằm cách thành phố Bạc Liêu 6km. Vì thế bạn hoàn toàn dễ dàng di chuyển đến đây bằng xe máy. Vườn chim giống hệt một ngôi nhà lớn của 46 loài chim cùng 150 loài động vật khác: cá, ếch nhái, thú có vú bò sát,… Trong số những loài chim ở đây, có loài giang sen, cốc đế nhỏ đã được ghi danh vào sách đỏ. Hệ thực vật vườn chim có đến 181 loài. Loại cây đặc trưng nhất ở đây là cây chà là, cây cóc, cây tra, cây giá, mắm,… Các loài chim có quy ước riêng về từng vùng lãnh thổ ở mỗi tầng thực vật, chung sống rất hòa hợp.
Du khách tới vườn chim có thể tự do dạo bộ tham quan vì vườn chim có đặt nhiều bảng chỉ dẫn đường đi rõ ràng. Vườn chim cũng có những tháp canh cao ngang ngọn cây để tiện ngắm nhìn cảnh đẹp bên dưới. Du khách cũng có thể thuê xe để tham quan du lịch khu vực vườn chim dài 5km. Giá thuê xe là 40k/người. Ở đây cũng có thuyền chở để du khách ngắm nhìn các loài chim kiếm ăn dưới nước. Du khách tham quan nhớ trang bị mũ nón đầy đủ.
Tham quan vườn chim vào khoảng tháng 5 đến tháng 10 là hợp lý nhất. Vì các loài chim bay về đây tụ họp vào khoảng thời gian này. Chúng sẽ sinh sản, làm tổ ở đây đến tận tháng 1 rồi lại bay đến nơi khác. Cách vườn chim khoảng 5-8km đều có những khách sạn tốt để du khách tiện nghỉ ngơi.
4.1.2.2 Vườn nhãn cổ Bạc Liêu có gì chơi?
Vườn nhãn cổ Bạc Liêu tọa lạc ở trên đường D9T31, Vĩnh Trạch Đông, Bạc Liêu. Vườn nhãn này đã trên trăm tuổi, cũng rất gần với địa điểm cây xoài trên 341 tuổi. Vườn nhãn rộng khoảng 230 hecta, trải dài trên địa phận 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, Bạc Liêu.
Loại đất trồng ở đây là đất giồng cát, có những đặc tính tốt, rất thích hợp canh tác cây ăn trái và hoa màu. Giống nhãn trồng nhiều nhất ở đây là giống nhãn Su-bíc được ông Trương Hưng đem từ Trung Quốc về. Loại nhãn này trái to, vỏ mỏng, cơm dày, vô cùng thơm ngọt.
Hiện trong vườn nhãn nhà ông Trương Kiết (hậu duệ 3 đời của ông Trương Hưng) vẫn còn một cây nhãn ông Trương Hưng trồng đầu tiên. Cây nhãn đã trên trăm tuổi, thành cây cổ thụ, hai người ôm không xuể. Cây nhãn cổ thụ mỗi năm chỉ cho đúng một vụ vào khoảng tháng 9.
Du khách tới đây sẽ được trải nghiệm cắm trại, nghỉ ngơi, thăm thú, tìm hiểu văn hóa của người dân ở đây. Du khách sẽ thư thả thưởng thức “dạ cổ hoài lang” trong vườn nhãn, ăn nhãn, thưởng trà. Trong tương lai ở vườn nhãn sẽ phát triển thành khu bảo tồn văn hóa. Các công trình nhà lá khung gỗ của người Kinh, nhà ngói ba gian của người Hoa, nhà sàn mái cong của người Khmer sẽ được xây dựng. Mục đích để có chỗ phục vụ du khách khám phá văn hóa, nghỉ ngơi, ăn uống.
4.1.2.3 Bạc Liêu có gì chơi – Biển Bạc Liêu
4.1.2.3.1 Tổng quan về biển Bạc Liêu
Để đến được biển Bạc Liêu các bạn lấy nhà công tử Bạc Liêu làm mốc. Bạn chỉ cần di chuyển 10km theo đường Cao Văn Lầu sẽ tới. Điểm nhận biết đã tới nơi là bạn thấy bảng chỉ dẫn khu du lịch Nhà Mát.
Biển Bạc Liêu đặc biệt vì nước biển có màu nâu đỏ do chứa nhiều bùn và phù sa. Bạn hãy sắp xếp thời gian thăm biển Bạc Liêu vào lúc sáng sớm hoặc vào buổi chiều để chụp hình check-in lấy ánh sáng đẹp và không lo bị cháy nắng. Nếu bạn đi thăm biển vào sáng sớm tầm 5-6h sáng sẽ thấy người dân ở đây “đẩy xiệp” đánh cá. Xiệp là dụng cụ đánh bắt cá truyền thống ở nơi này.
Biển ở đây nước nông chỉ đến bắp cá chân nên bạn có thể lội ra xa chụp ảnh. Khi lội bạn nhớ bỏ dép trên bờ vì chân đất dễ bám, đỡ trơn trượt hơn. Đi vào buổi sáng thì chụp ảnh sẽ không bị ngược sáng. Bạn nên trải nghiệm hải sản ở biển Bạc Liêu vì hải sản đặc biệt tươi ngon. Cua biển Bạc Liêu giá chỉ 120k/kg, người dân bắt lên là bán ngay ở cạnh cầu biển.
4.1.2.3.2 Biển Bạc Liêu có gì chơi? Khu du lịch Nhà Mát
Nếu bạn có nhu cầu tắm biển thì hãy ghé khu du lịch Nhà Mát nằm ven bờ biển Bạc Liêu. Nếu bạn có dẫn theo trẻ nhỏ địa điểm này tụi nhỏ sẽ rất thích. Vì trong này có phân khu tắm biển cho cả người lớn lẫn trẻ em rõ ràng, hợp lý. Tại đây cũng cung cấp nhiều dịch vụ chơi giải trí khác. Điển hình rất hoành tráng là resort cao cấp, khu ẩm thực, sân khấu đa năng, trình diễn nhạc nước,… Ngày lễ Tết bạn nên hạn chế du lịch tới đây vì nạn cướp giật ở đây khá lộng hành. Bạn nên du lịch theo nhóm để đảm bảo an toàn.
4.1.2.3.3 Biển Bạc Liêu có gì chơi? Cánh đồng điện gió Bạc Liêu
Một địa điểm tham quan nữa cũng mới nổi gần đây ở Bạc Liêu là cánh đồng điện gió Bạc Liêu, rất gần khu Nhà Mát. Địa điểm này đã bắt đầu bán vé từ lúc 7h sáng. Khu vực này gồm 62 tua-bin gió, mỗi tua-bin cao 80m. Số lượng tua-bin sẽ còn tiếp tục tăng thêm. Đây là một trong những địa điểm check-in đẹp và cuốn hút giới trẻ nhất ở biển Bạc Liêu.
4.1.2.4 Cánh đồng muối Bạc Liêu có gì chơi?
Cánh đồng muối Bạc Liêu nằm ở hai huyện: Hòa Bình và Đông Hải tỉnh Bạc Liêu. Bạn đi đường Cao Văn Lầu kết hợp hỏi đường người dân sẽ tìm được đến nơi. Thời điểm thích hợp để bạn ghé ruộng muối là từ tháng 12 đến tháng 4 hàng năm. Vì thời điểm này nước biển đạt độ mặn nhất và cũng ít mưa bão nên người dân tập trung khai thác muối.
Đây là điểm đến lý tưởng cho những người trẻ đang cố gắng bồi đắp nhiều cảm nghiệm mặn mòi cho cuộc sống. Mình đùa thôi. Thực ra thì nơi này phù hợp với bạn trẻ đam mê chụp ảnh hơn. Không cần lặn lội tận miền Trung, bạn cũng đã có những bức ảnh ruộng muối trắng trải dài tít tắp, nên thơ. Tóm lại bạn đang cần tìm một không gian cho mình cảm giác đất trời hòa làm một thì nơi đây vô cùng thích hợp.
4.1.3 Bạc Liêu có gì chơi? Các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa
4.1.3.1 Nhà của công tử Bạc Liêu có gì chơi?
4.1.3.1.1 Sơ lược về nhà cổ công tử Bạc Liêu
Khoảng vào năm 1919, ngôi nhà của công tử Bạc Liêu được xếp vào hàng cực phẩm, là căn nhà to và đẹp nhất lục tỉnh Nam Kỳ. Bây giờ thì du khách ít biết thông tin này, họ biết nhiều hơn việc ngôi nhà cổ này trị giá 400 tỷ.
Ngôi nhà cổ của công tử Bạc Liêu nằm tại số 13 đường Điện Biên Phủ, phường 3, TP. Bạc Liêu. Nhà còn có vị trí đắc địa gần sông Bạc Liêu (người chuyên bất động sản sẽ xếp nó vào diện riverside, vô cùng đắt giá). Mọi chi tiết xây dựng ngôi nhà từ bù loong, ốc vít đều có xuất xứ từ Pháp, được đóng dấu chìm mẫu tự P hoa mĩ. Chẳng có gì ngạc nhiên khi người dân trong vùng vẫn quen gọi ngôi nhà này là Nhà Lớn.
4.1.3.1.2 Ngôi nhà cổ xa hoa nhất lục tỉnh Nam Kỳ
Ngôi nhà được thiết kế theo kiến trúc của Pháp. Những vật liệu chủ yếu sử dụng xây nhà là thép đúc, đá cẩm thạch, gạch trang trí, khung sắt. Ngôi nhà được thiết kế cao, rộng, thoáng. Các nội thất trong nhà rất tỉ mỉ, tinh xảo và tất nhiên đắt tiền. Tiêu biểu là những bộ bàn ghế gỗ trong nhà, đều được làm từ gỗ quý hiếm, khảm xà cừ sắc sảo, kỹ từng chi tiết, không tìm được ở đâu khác.
Phòng ngủ của công tử có 2 chiếc giường: giường nóng và giường lạnh để thích hợp ngủ trong các dạng thời tiết khác nhau. Mỗi chiếc giường cổ cẩn 30kg ốc xà cừ, vị chi là 6 tỷ đồng. Nếu cộng thêm tiền gỗ quý, đá cẩm thạch và công làm mộc, thiết kế, có lẽ lên đến hơn chục tỷ. Nghĩa là công tử Bạc Liêu giàu đến mức chuyện mỗi ngày đặt lưng nghỉ ngơi trên chục tỷ là chuyện bình thường. Mà đó là thời điểm cách đây cả một thế kỷ rồi. Nếu bạn hiếu kỳ với những giai thoại về công tử Bạc Liêu thì đừng bỏ qua điểm tham quan này nhé!
4.1.3.2 Bạc Liêu có gì chơi? – Tháp cổ Vĩnh Hưng
Ở Bạc Liêu có thật nhiều địa danh nổi tiếng vì sự cổ kính. Cổ nhất có lẽ là tháp cổ Vĩnh Hưng với niên đại hơn một nghìn năm. Tháp cổ cách trung tâm tỉnh Bạc Liêu khoảng 20km, tọa lạc tại xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi. Tháp đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992.
Tháp cổ Vĩnh Hưng cao khoảng 8,2m, hai cạnh chân rộng 5,6m và 6,9m. Tháp được xây dựng bằng kỹ thuật đặc biệt của người Khmer cổ nên còn giữ được hiện trạng đến giờ. Người Khmer xây tháp toàn bằng những viên gạch đất nung, gắn kết với nhau khít gần như không thấy kẽ hở.
Tại đây các nhà khảo cổ còn phát hiện có rất nhiều cổ vật nguồn gốc văn hóa Óc Eo xung quanh tháp. Họ kết luận có thể trước đây dân cư đã sinh sống tập trung đông tại đây. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục khảo cứu vùng đất này. Nếu bạn yêu thích tìm hiểu lịch sử và khảo cổ học hãy đến khám phá tháp cổ Vĩnh Hưng.
4.1.3.3 Quảng trường Hùng Vương, Bạc Liêu có gì chơi?
4.1.3.3.1 Sơ lược về quảng trường Hùng Vương
Quảng trường Hùng Vương là một trong những quảng trường đẹp nhất đồng bằng sông Cửu Long. Quảng trường nằm trong trung tâm hành chính tỉnh, phường 1, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Quảng trường rộng đến 85.000m2, có mặt bằng sân rộng 40.000m2. Khắp mặt sân được lát đá tự nhiên.
Nơi đây có nhiều công trình kiến trúc có tính thẩm mỹ cao và hiện đại. Vì thế quảng trường trở thành địa điểm lý tưởng để tổ chức các sự kiện quan trọng mang tính cộng đồng của thành phố. Công trình nổi bật nhất quảng trường là tượng đài Đờn Kìm. Đây là một biểu tượng tiêu biểu của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Kế đến là nhà hát Nón Lá với tổng diện tích 2.262m2. Cuối cùng là 3 khối tượng biểu trưng cho tinh thần đoàn kết của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa tại Bạc Liêu.
4.1.3.3.2 Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là người đã sáng tác ra điệu “dạ cổ hoài lang” trứ danh, nức tiếng Nam Bộ. Mộ của cố nhạc sĩ được đặt trên chính đất của gia đình. Sau đó, chính quyền Bạc Liêu trùng tu, tôn tạo khu đất rộng 3 hecta này thành “di tích lịch sử văn hóa khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu”.
Công trình bao gồm nhiều khu vực: cổng tham quan, nhà bao khu mộ nhạc sĩ, tượng nhạc sĩ, nhà trưng bày hiện vật, sân khấu ngoài trời và nhà đón khách. Phòng trưng bày có nhiều tư liệu liên quan đến nét văn hóa nghệ thuật đờn ca tài tử như hình ảnh phục trang, nhạc cụ của các nghệ sĩ nổi tiếng. Bạn yêu nghệ thuật đờn ca tải tử? Đây chắc chắn là điểm dừng chân hợp lý.
4.2 Bạc Liêu có gì chơi? – Ẩm thực Bạc Liêu
Bạc Liêu có một nền ẩm thực muôn phần đa dạng và độc đáo. Ở đây có sự giao thoa văn hóa ẩm thực của 3 dân tộc Khmer, Kinh và Hoa. Sau đây là những món ăn tiêu biểu nhất của ẩm thực Bạc Liêu.
4.2.1 Bún bò cay Bạc Liêu
Đây là một món ăn được chế biến hết sức kỳ công. Du khách không nên bỏ qua, đặc biệt với những người mê ăn cay. Món này chưa cần ăn đã dễ dàng bị thuyết phục bởi mùi thơm sực nức.
Nước dùng bún được chế biến rất cầu kỳ từ thịt bò, sả, quế, hồi, gừng, nghệ, cà ri, cốt dừa nên vô cùng đậm đà. Nếm thử vào sẽ có cảm giác hệt như các nguyên liệu đang “nhảy đầm” trong miệng. Bạn có thể nóng mặt xuýt xoa vì quá cay nhưng cũng chính vì thế bạn sẽ ăn liên tục, không dừng lại được.
Món bún bò cay dùng kèm với chút bánh quẩy và rau húng quế, ngò gai. Một trong những quán ăn nổi tiếng bán món này là quán Ánh Nguyệt. Địa chỉ quán: số 119, đường Cao Văn Lầu, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Giá một tô bún dao động trong khoảng từ 25k đến 35k.
4.2.2 Bánh tằm Ngan Dừa
Món bánh tằm ngan dừa là đặc sản nổi tiếng của huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Người dân ở đây đã làm nghề bánh từ rất lâu đời nên bánh tằm trở nên đặc biệt nổi bật so với các vùng khác.
Bánh làm từ bột gạo, se thành sợi dài, to như con tằm rồi đem hấp xửng. Cọng bánh được chế biến thủ công nên dẻo dai, thơm ngọt. Khi ăn, bánh được dọn ra kèm bì xắt sợi nhuyễn, xíu mại kiểu Triều Châu, dưa leo băm sợi, giá và rau sống. Thực khách chan lên mặt bánh nước cốt dừa và nước mắm giấm đường tỏi ớt, trộn đều và thưởng thức.
Đảm bảo bạn đã ăn thử đều không thể quên. Bạn có thể ghé số 34 Nguyễn Thị Minh Khai, Ngan Dừa, Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu để thưởng thức loại bánh độc đáo này. Giá món này dao động từ 25k đến 40k cho một phần ăn.
4.2.3 Bạc Liêu có gì chơi? Lẩu mắm miền Tây
Món này siêu nổi tiếng, có thể nói như quốc hồn quốc túy đất Bạc Liêu. Đây là một món ăn có sự kết hợp nguyên liệu từ các sản vật đặc trưng của Bạc Liêu. Đó là mắm cá, các loài tôm cá và đa dạng loại rau ăn kèm.
Lẩu mắm rất đậm đà vì mắm (chủ yếu là mắm cá linh, có thể pha thêm mắm cá khác tùy người nấu) nên nếu ai không quen ăn có thể cảm thấy mặn. Lẩu mắm đặc sắc một phần bởi những loại rau sống ăn kèm. Ăn một phần lẩu mắm, bạn sẽ ăn kèm 20 loại rau đặc trưng của miệt vườn Bạc Liêu. Tiêu biểu các rau này phải kể đến năn bộp, ngó súng, bồn bồn, rau nhút, rau dừa, kèo nèo, tai tượng, rau mát, rau đắng cơm, cần nước,… Các loại cá trong lẩu mắm khá đa dạng: cá ngát, basa, cá kèo,… Ngoài ra trong nồi lẩu mắm còn có chả cá, nấm, tôm, đậu phụ, cà tím, thịt heo (ở Sài Gòn là heo quay).
Quán lẩu mắm nổi tiếng ở Bạc Liêu là quán Hồng Gấm. Địa chỉ quán: 3/225b, Tỉnh Lộ 38, Phường 5, Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Bạc Liêu. Quán cũng có chi nhánh 2 tại Ninh Bình, Phường 2, Bạc Liêu. Một phần lẩu cho 2 người ăn sẽ có giá 170k, lẩu chỉ phục vụ cá ngát. Với phần ăn lớn hơn thì thực khách sẽ được chọn loại cá ăn kèm (cá basa, cá kèo,…)
4.2.4 Bạc Liêu có gì chơi? – Món ngon Bánh xèo Bạc Liêu
Bánh xèo Bạc Liêu có thể được coi là chị đại trong các loại bánh xèo. Vì bánh xèo Bạc Liêu to nhất trong tất cả các loại bánh xèo ở Việt Nam. Bánh xèo Bạc Liêu đặc biệt giòn rụm do chiên nhiều dầu và luôn để ráo dầu trước khi thưởng thức. Bánh xèo Bạc Liêu xịn còn có thêm củ hũ dừa, ăn một miếng, nhớ cả đời.
Bánh xèo Bạc Liêu còn đặc biệt ở những loại rau ăn kèm, mang đậm phong vị Bạc Liêu. Thường bánh xèo ở đây ăn kèm nhiều loại rau. Điển hình là rau soi nhái, cải đuôi phụng hoàng, xà lách, lá cách, lá chiết, lá cát lồi và các loại rau thơm khác nữa. Ở Sài Gòn làm gì có món bánh xèo với đủ loại rau như thế?
Tiệm bánh xèo nổi tiếng ở đây phải kể đến bánh xèo A Mật. Địa chỉ quán: 182/2 đường số 31, ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Nơi đây bán bánh xèo 50k/cái nhân thập cẩm, đủ cho 2 người ăn. Đã đến Bạc Liêu mà không ăn thử thì quá phí của giời. Mà có khi đừng nên ăn vì ăn rồi lỡ bị ghiền, lại tốn tiền bắt xe xuống Bạc Liêu ăn tiếp.
4.2.5 Bánh củ cải Bạc Liêu
Đây là loại bánh đặc trưng của Bạc Liêu, có nguồn gốc từ người Hoa. Loại bánh này thường hay xuất hiện trong mâm cơm gia đình của người Hoa vào những dịp giỗ hoặc Tết Nguyên Đán.
Thoạt nhìn thì bánh củ cải khá giống một chiếc há cảo khổng lồ. Nhưng thực ra mùi vị và cách chế biến không hề giống há cảo. Vỏ bánh được làm từ bột gạo pha với bột củ cải trắng. Vỏ bánh còn mỏng hơn vỏ bánh ướt. Nhân bánh gồm củ cải và củ sắn sắt sợi cực nhuyễn, tôm khô và thịt ba rọi thái mỏng xào gia vị. Người nấu bánh chuẩn bị chảo nóng và tráng bột bánh xong cuộn vào nhân đã xào sẵn. Bánh dọn ra ăn kèm nước mắm tỏi ớt chua ngọt, đậm đà.
Ấy thế mà không phải dễ để gặp được hàng bánh củ cải ở Bạc Liêu. Vì món bánh củ cải thường được bán ở các gánh hàng rong, các xe đẩy dân dã. Người dân thường hay đùa rằng “Ăn bánh cũng phải tùy duyên”. Trung bình giá một chiếc bánh củ cải là 10k.
4.2.6 Bạc Liêu có gì chơi? – Cà ri vịt
Món cà ri vịt Bạc Liêu khi nấu không hề dùng nước cốt dừa hay sữa đặc mà vẫn đảm bảo được vị béo. Do tay nghề đầu bếp khéo léo chế biến để mỡ vịt tươm ra, hòa quyện vào nước dùng. Thịt vịt chín mềm, ngọt, thấm đượm gia vị đậm đà từ các vị đại hồi, đinh hương, quế,… Phần ruột vịt được thắt bím để thực khách ăn thấy giòn và dai hơn.
Món này bạn hãy ăn chung với bún, hủ tiếu hoặc bánh mì, thịt vịt có muối ớt chấm kèm. Để thưởng thức món cà ri vịt thơm ngon thì bạn hãy tìm đến những quán đã có thâm niên bán hàng từ lâu. Chẳng hạn như quán cà ri vịt Tiểu Long trên đường Hà Huy Tập, phường 3, tỉnh Bạc Liêu. Giá một phần ăn dao động trong khoảng từ 25k đến 35k.
4.2.7 Ba khía
Ba khía là món ăn dân dã của những người dân nghèo ngày xưa ở Bạc Liêu. Con ba khía hình dạng trông giống con cua nhưng trên mai lại có ba đường khía như dùng dao khía vào. Món ba khía đặc biệt không dành cho người răng yếu. Vì khi ăn bạn phải nhai luôn cả mai lẫn càng của nó.
Ba khía có nhiều cách chế biến: rang me, rang muối, nướng, luộc nước dừa. Nhưng có lẽ quen thuộc, dân dã và đáng chú nhất là ba khía muối. Đây thực chất là món ăn của người Khmer nhưng người Việt ăn cũng thích thú và dần ưa chuộng ăn ba khía kiểu này. Khi ăn, người ta trộn ba khía muối với đường cát, ớt, tỏi, bột ngọt, nước chanh. Món này ăn chung với cơm và các loại rau sống, rất bắt miệng thành ra rất tốn cơm.
Để mua mắm ba khía ngon, bạn nên ghé mua ở khu Nhà Mát. Nơi đây có vựa mắm ba khía trứ danh. Nếu bạn muốn mua con ba khía sống thì nên đi Bạc Liêu vào tháng 10. Đây là mùa săn ba khía của dân miền Tây. Khi mua bạn không nên chọn con to mà chọn con nhỏ có nhiều gạch. Đặc biệt bạn nên chọn ba khía vào mùa sinh nở, đang còn ôm trứng thì thịt và càng của chúng ngon hơn. Ba Khía là món ngon đặc sản miền Tây mà bạn không thể bỏ qua về đây.
4.2.8 Đuông chà là
Đuông chà là thực chất là ấu trùng của loài kiến dương sống trong thân cây chà là. Loại đuông này béo nhất, to nhất nên trở thành đặc sản. Hơn nữa cũng không dễ để bắt được loại đuông này vì cây chà là có nhiều gai.
Đuông chà là thường được chế biến thành nhiều món ngon khác nhau. Điển hình có các món: đuông luộc nước dừa, cháo đuông, nướng mọi, chiên đậu phộng hoặc lăn bột chiên bơ. Nước chấm ăn kèm thường là nước tương, nước mắm tỏi ớt chua ngọt hoặc mắm me. Đuông chà là có vị béo ngậy, ngọt bùi, vừa giống vị trứng, vừa giống vị phô mai.
Đây cũng là món ăn khuyến cáo không dành cho những người “yếu tim”. Với những người biết ăn đuông, nó là cực phẩm côn trùng. Còn đối với những người cứ nhìn thấy côn trùng là hãi hùng rất không nên.Vì chỉ cần thấy con đuông ngọ nguậy trong bát nước mắm sẽ vội vàng bỏ mâm cơm chạy mất.
5. Đi chơi Bạc Liêu có gì mua làm quà?
Bạc Liêu có gì chơi? Bạc Liêu có địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Đã vậy còn được mua quà độc đem về cho người thân.
5.1 Gạo Một Bụi Đỏ Hồng Dân
Đây là giống gạo chỉ có ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Gạo Một Bụi Đỏ là giống gạo bản địa vùng này. Cây lúa Một Bụi Đỏ là cây lúa hoang, sống khỏe trong cả điều kiện nước nhiễm mặn, nhiễm phèn.
Gạo Một Bụi Đỏ có hương thơm tự nhiên, màu vàng sẫm ánh đỏ. Gạo này nấu lên cơm thơm, nở mềm, giàu dinh dưỡng. Hàm lượng dinh dưỡng có trong gạo Một Bụi Đỏ lần lượt là: 85% tinh bột, 8% protein và 1,5% đạm. Giá 1 kg gạo Một Bụi Đỏ tầm 11k đến 15k.
5.2 Bạc Liêu có gì chơi? – Mắm chua Vĩnh Hưng
Loại mắm chua này đặc biệt không xương. Mắm được làm từ cá rô và cá sặc đồng còn sống. Cá để làm mắm là loại cá nhỏ, to bằng một đến hai ngón tay. Sở dĩ chọn cá nhỏ vì thịt và xương cá mềm, mắm sẽ không bị lợn cợn, khó nuốt.
Cá cần được chế biến bằng những kỹ thuật khéo léo để không làm nát cá mà vẫn sạch vẩy, nhớt cùng những chất bẩn trong ruột. Nếu được muối đúng cách thì thịt cá sẽ chín, ngon và thơm. Còn nếu không hũ mắm xem như hỏng, không ăn được.
Gia vị ướp cá gồm có muối đường, bột ngọt, tỏi, ớt, riềng, thính. Gia vị cũng đơn giản nhưng qua tay mấy ai mà thực sự cho ra thành phẩm mắm ngon. Mắm chua Vĩnh Hưng khi đủ độ chín, giở hũ ra sẽ thấy bay mùi thơm, cá còn nguyên con nhưng toàn bộ xương đã mềm. Món mắm chua sẽ được thưởng thức cùng với rau sống, thịt luộc, bún hoặc cơm trắng. Vị chua ngọt cộng với vị tươi mát của rau sẽ làm cho thực khách không thể nào quên được. Hiện giá mắm chua Vĩnh Hưng là 70k/lít.
5.3 Du lịch Bạc Liêu thưởng thức Nhãn da bò
Nhãn da bò vốn là loài nhãn Su-bíc mình đã giới thiệu ở phần trên của bài viết, đoạn vườn nhãn cổ. Cây nhãn càng nhiều năm sẽ cho thu hoạch càng nhiều trái, vỏ mỏng, cơm dày, vô cùng thơm ngọt.
Nhãn da bò ngon trông quả đều, vỏ vàng óng, láng bong và vị ngọt thanh, rất thơm. Nhãn da bò khi trái mùa giá cao, tầm 55k/kg. Nhãn Bạc Liêu rất giàu dinh dưỡng, có thể sấy làm thuốc hoặc ngâm rượu cũng rất hấp dẫn.
5.4 Năn bộp
Năn bộp là cây cỏ lớn hay mọc chen trong ruộng lúa nhiễm phèn bạc. Năn bộp có cọng suôn dài to bằng chiếc đũa ăn, nhìn khá giống cọng hành, phần gốc bị nhiễm phèn ở vỏ ngoài nên ngả vàng nâu. Khi thu hoạch về ăn chỉ cần bóc lớp ngoài đi thì ăn được phần nõn trắng bên trong.
Gọi là năn bộp vì khi ta gõ vào cọng năn sẽ nghe tiếng bộp bộp rất vui tai do thân năn rỗng. Năn bộp ăn lạ miệng, ngọt nhẹ, giòn, có mùi thơm thoang thoảng đặc trưng. Người dân Bạc Liêu dùng năn bộp trong nhiều món ăn. Điển hình là bóp gỏi, ăn kèm lẩu mắm hoặc cá rô đồng chiên giòn, cá trê nướng dầm mắm gừng, xào tép, nấu canh,… Năn bộp hiện chuyên được bán sỉ, nếu khách mua từ 5kg trở lên điểm bán sẽ bán với giá dao động từ 60k/kg đến 80k/kg.
5.5 Du lịch Bạc Liêu độc đáo mắm cá chốt
“Bạc Liêu nước chảy lờ đờ
Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu”
Ở các vùng khác thì không nhưng đặc biệt ở Bạc Liêu thì cá chốt đầy sông. Chỉ cần vung một chài là đã bắt được lượng cá đủ để làm một khạp mắm. Cá chốt sau khi gỡ ra khỏi chài sẽ được làm sạch cẩn thận, chặt hết ngạnh trên miệng rồi phơi nắng cho ráo. Xong xuôi sẽ đem vào ướp muối. Muối ướp cá cũng phải rang cho hết nổ, để nguội rồi mới dùng.
Khi ướp muối cá chốt thì phải cho thêm rượu đế, đường, thính. Mắm cá chốt ngon thường được ăn sống, trộn với ớt, tỏi, đường, chanh và ăn kèm các loại rau sống, chuối chát, bần chín,… Món ăn này cũng rất bắt cơm và cũng có giai thoại một vị vua đã từng thưởng thức qua. Giá mắm cá chốt khoảng 50k/hũ 500gr.
6. Du lịch Bạc Liêu cần lưu ý gì?
Du lịch Bạc Liêu kỳ thú, hấp dẫn nhưng đừng phấn khích lên đường quá mà bạn quên lưu ý các điều dưới đây. Khi du lịch Bạc Liêu vào mùa nắng, bạn nhớ mang các loại quần áo gọn nhẹ, thấm mồ hôi, mũ nón, kem chống nắng đầy đủ. Nếu bạn định trải nghiệm tắm biển Bạc Liêu thì hãy nhớ đem theo đồ bơi nữa. Khi tới Bạc Liêu vào mùa mưa thì bạn nên đem theo dù, kem chống muỗi và các loại giày dép chống trơn trượt. Bạn cũng đừng quên mang theo áo gió, áo ấm nhẹ.
Hy vọng bài viết này đã giúp các bạn giải đáp được câu hỏi “Bạc Liêu có gì chơi?”. Tưởng không nhiều chỗ chơi nhưng lại nhiều chỗ chơi không tưởng. Đến Bạc Liêu là một quyết định sáng suốt để trải nghiệm cả cảnh sắc thiên nhiên lẫn những cảnh đẹp của công trình nhân tạo. Không những thỏa mãn được con mắt mà còn thỏa mãn cả cái miệng. Vì trải nghiệm ẩm thực nơi đây hết sức phong phú, độc đáo. Chúc các bạn có một chuyến tham quan du lịch Bạc Liêu thật đáng nhớ!