1. Làng gốm Thanh Hà Hội An
Làng gốm Thanh Hà là một trong những làng nghề có truyền thống lâu đời tại Hội An, Quảng Nam. Bạn biết không, ngôi làng này đã có tuổi đời hơn 500 năm tuổi rồi đấy. Những mái nhà, bức tường, lò gốm phủ đầy rêu phong thời gian chứa đầy những kí ức tươi đẹp về ngôi làng nằm bên bờ sông Thu Bồn thân yêu.
1.1. Lịch sử làng gốm Thanh Hà
Theo lời các cụ cao niên trong làng, người làng Thanh Hà vốn có nguồn gốc từ ngoài bắc, di dời về trong Quảng Nam từ thế kỷ thứ 15 và định cư cho tới ngày nay. Ngay nghề gốm này cũng xuất xứ từ tỉnh Thanh Hóa, không phải gốc Quảng Nam. Ban đầu nghề gốm hình thành ở làng Thanh Chiêm. Tuy nhiên về sau đã dời lên Nam Diêu, nay là Thanh Hà. Hiện nay tại Nam Diêu có ngôi miếu thờ Tổ nghề. Hằng năm vào ngày 10 tháng giêng sẽ tổ chức tế xuân, cúng bái các vị tổ nghề, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa.
Thế kỷ 17 – 18 là thời điểm hoàng kim nhất của gốm Thanh Hà. Cùng với sự phát triển thịnh vượng của thương cảng Hội An, gốm Thanh Hà không chỉ được dùng làm sản vật tiến vua mà còn được các thương nhân người Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha…tìm đến mua với số lượng lớn. Thuyền bè chở gốm lúc nào cũng tấp nập. Gốm làm ra bao nhiêu cũng không xuể, theo thuyền bè đi khắp muôn nơi. Thời điểm đó cả làng có hàng nghìn người làm gốm, hàng trăm lò nung đỏ lửa suốt 6 tháng mùa khô.
Ngày nay, Hội An được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Các làng nghề truyền thống được phục dựng và bảo tồn. Làng nghề Thanh Hà dần lấy lại vị thế ngày xưa, trở thành một trong những điểm du lịch rất được yêu thích tại Hội An.
1.2. “Nghề thổi hồn cho đất”
Ca dao xứ Quảng có câu: “Thân em như gốm Thanh Hà/Như chiếu Bàn Thạch trải đà khắp nơi”. Làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, làng chiếu Cẩm Kim và làng gốm Thanh Hà là 4 làng nghề truyền thống có lịch sử phát triển lâu đời. Khối vững chắc này tạo thành một vành đai làng nghề bao quanh thành phố Hội An, góp phần quan trọng tạo nên sự sầm uất và giàu có của đô thị cổ Hội An.
Ngót nghét 5 thế kỉ trôi qua, hòn đất có lúc thăng, lúc trầm. Đến nay nghề gốm cũng mai một nhiều. Người gắn bó với nghề không nhiều, cả làng chỉ có khoảng 10 thợ giỏi. Tuy nhiên tình yêu của những người nghệ nhân với nghề làm gốm nơi đây thì chưa bao giờ nguội lạnh. Nghề gốm vất vả, chân tay lúc nào cũng lấm đất bùn, chẳng mấy khi được sạch sẽ. Nhưng nói đến việc từ bỏ nghề thì tuyệt nhiên không ai đề cập đến.
Với mỗi người dân Thanh Hà, nghề gốm là sinh mệnh, là sợi dây kết nối giữa quá khứ với hiện tại và cả tương lai. Ngày xưa, ngày nay và ngày sau, chừng nào người còn, đất còn thì lò gốm vẫn đỏ lửa. Ngọn lửa ấy không đơn thuần là ngọn lửa để duy trì kế sinh nhai. Đó là ngọn lửa tự hào, ngọn lửa hi vọng của mỗi người con xứ Quảng với nghề truyền thống của cha ông.
1.3. Đặc trưng của gốm Thanh Hà
Nghề gốm từ nam chí bắc ở đâu cũng có. Nhưng không phải nơi nào cũng có chất lượng gốm tuyệt hảo như ở Thanh Hà. Đây là niềm tự hào của người dân Thanh Hà khi giới thiệu về sản phẩm quê hương mình. Gốm làng Thanh Hà có đặc trưng là gốm mộc, không phủ men bóng như gốm ở nhiều địa phương khác. Tuy vậy, sản phẩm làm ra vẫn có độ bóng nhẹ và màu sắc trắng, nâu, đỏ, vàng…rất phong phú. Người ta gọi đây là nét “duyên ngầm: của gốm Thanh Hà.
Xưa kia nghề gốm Thanh Hà chỉ chuyên chú về chất lượng, không quá đầu tư vào mĩ thuật. Có lẽ mục đích làm gốm khi xưa cũng chỉ tập trung vào các sản phẩm phục vụ đời sống thường nhật của bà con nông dân như bếp, niêu, bình, chậu…nên cũng chẳng cần cầu gì về hình thức.
Tuy nhiên theo xu thế phát triển của thương mại và thị hiếu thay đổi của người tiêu dùng, gốm Thanh Hà có nhiều đổi mới. Song song với các sản phẩm gốm mộc là sản phẩm gốm nghệ thuật, tạo hình và vẽ hoa văn cầu kỳ hơn. Bên cạnh đó, các sản phẩm lưu niệm làm từ gốm như phù điêu, con giống…được sản xuất nhiều hơn. Vừa đáp ứng nhu cầu du lịch, vừa bảo tồn nghề truyền thống.
2. Đi đến làng gốm Thanh Hà như thế nào?
Làng gốm Thanh Hà thuộc địa phận xã Cẩm Hà. Nơi này cách khu phố cổ Hội An khoảng 3km về phía tây. Nếu xuất phát từ phố cổ bạn đi đường Hùng Vương, đến chỗ giao ngã ba với đường Duy Tân thì dừng hỏi người dân hoặc quan sát bảng chỉ dẫn để đến làng Thanh Hà nhé. Có một cách đơn giản hơn là bạn cứ đi men theo bờ sông Thu Bồn về hướng quốc lộ 1A, đi qua chợ cá, làng gốm Thanh Hà đã ở ngay trước mắt rồi.
Khoảng cách rất gần nên bạn có thể thuê xe máy hoặc xe đạp để di chuyển.
- Giá thuê xe đạp tại Hội An khoảng 20.000 – 30.000đ / ngày.
- Giá thuê xe máy tại Hội An khoảng 95.000 – 150.000đ / ngày.
3. Có gì thú vị tại làng gốm Thanh Hà?
Làng Thanh Hà nằm bên bờ sông thơ mộng. Ngay từ đầu làng bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm thanh khiết của hoa cỏ tự nhiên và mùi đất sét nung rất thơm. Ngôi làng cổ này không chỉ hấp dẫn bởi vẻ đẹp cổ kính, rêu phong mà còn có rất nhiều điều thú vị đang chờ bạn khám phá đấy!
3.1.Tìm hiểu về cách làm gốm Thanh Hà
Có tận mắt chứng kiến mới thấy hết được nỗi vất vả của nghề làm gốm. Gốm được làm thủ công. Từ khâu lấy đất, nhào đất, tạo hình, chuốt, đưa vào lò nung, phơi nắng…đều lấy sức người mà làm. Không dùng máy móc, không dùng hóa chất, ấy mà thật tài tình, đồ gốm ra đời vẫn bền chắc, bóng đẹp tự nhiên. Công sức bỏ ra bao nhiêu chẳng bút mực nào tả xiết!
3.1.1.Làm đất
Đất làm gốm Thanh Hà là đất sét lấy từ huyện Điện bàn, Đại Lộc… Sau khi lấy đất về không phải cứ thế mà cho lên bàn xoay nặn gốm được. Sau khi cắt xẻ loại bỏ tạp chất người thợ khỏe phải dùng chân nhào đất cho thật dẻo, thật mịn. Công việc tưởng dễ nhưng thực chất lại rất khó. Thông thường với 1m3 đất người thợ phải nhào trong 2 ngày đêm mới hoàn thành. Người mới làm không quen chỉ khoảng mươi phút thôi là đã mỏi nhừ chân tay rồi!
3.1.2. Chuốt và tạo dáng
Chuốt gốm, tạo dáng là công đoạn tưởng dễ mà lại rất khó. Bàn quay bằng gỗ xoay đều từng nhịp, đôi bàn tay người nghệ nhân nhanh nhẹn nắn vuốt thật khéo hòn đất sét dẻo mịn. Thường sẽ có 2 người làm công việc này. Một người xoay bàn xoay và người còn lại sẽ chuốt dáng.
Chẳng có một khuôn mẫu hay sự định lượng chính xác nào. Người ta bảo trăm hay không bằng tay quen. Người nghệ nhân chỉ dựa vào cảm giác và kinh nghiệm để tạo dáng gốm. Chỗ nào cần dày, chỗ nào cần mỏng, khi nào cần thêm nước, khi nào phải bớt nước họ nắm rõ trong lòng bàn tay. Với những bức phù điêu hay sản phẩm mĩ nghệ có nhiều chi tiết nhỏ phải điêu khắc bằng tay.
Người ngoài nhìn thấy thích thú thôi chứ không thể biết được sự tỉ mỉ và kỹ thuật trong đó. Ấy là cái hay của nghề mà chỉ có những người thợ tài hoa mới làm được.
3.1.3. Phơi nắng
Gốm sau khi tạo hình sẽ được đem đi phơi nắng cho se lại. Với các sản phẩm cần trang trí sẽ được vẽ trang trí sau khi phơi nắng.
3.1.4. Nung trong lò
Gốm sau khi được phơi nắng và dập hoa văn sẽ đêm đi nung. Đây là công đoạn quan trọng nhất trong quy trình sản xuất gốm. Chẳng cần dùng đến nhiệt kế hay máy móc để đo nhiệt độ lò. Người nghệ nhân lâu năm dựa vào kinh nghiệm, chỉ cần cảm nhận hơi nóng từ lò phả ra, nghe “tiếng gốm reo” và quan sát thời gian canh củi lửa là biết gốm nung đã “chín” chưa. Từ khi đưa vào nung phải 15 ngày sau mới mở lò đưa gốm ra.
Từ hòn đất vô danh, qua bàn tay khéo léo của người nghệ nhân trở thành những đồ vật vừa đẹp mắt lại hữu ích cho cuộc sống. Sản phẩm thoáng trông mộc mạc thế thôi nhưng các loại đồ gốm sản xuất công nghiệp còn lâu mới sánh được cả về chất lượng lẫn độ tinh xảo. Điều đó giải thích tại sao nghề gốm Thanh Hà có sức sống lâu bền đến vậy!
3.2. Tự tay làm gốm
Khi đến làng Thanh Hà, hoạt động được nhiều du khách yêu thích nhất chính là học cách làm gốm. Bạn sẽ được các nghệ nhân tại đây hướng dẫn về quy trình để cho ra một sản phẩm gốm trứ danh Thanh Hà. Còn gì thú vị hơn một sản phẩm “made by me” chính hiệu nhỉ! Với những gia đình có trẻ nhỏ các bé chắc chắn sẽ rất thích trải nghiệm này!
3.3. Tham quan công viên đất nung Thanh Hà
Công viên đất nung là điểm đến không thể bỏ qua khi đến làng gốm Thanh Hà. Công viên độc đáo này do kiến trúc sư Nguyễn Thanh Hà – một người con của làng gốm lên lý tưởng và đầu tư xây dựng. Khác với những công viên vui chơi hay sinh thái khác, công viên đất nung có màu đỏ cam đặc trưng của xứ gốm nung. Điểm xuyến vào sắc đỏ cam ấm nóng là sắc xanh máy dịu cỏ cây. Sự kết hợp màu sắc tạo nên không gian ấn tượng cho công trình.
Công viên giống như viện bảo tàng sống với các khu trưng bày, triển lãm các tư liệu, sản phẩm gốm đẹp, độc đáo. Dù có phải là người am hiểu nghệ thuật hay không bạn chắc chắn sẽ thích thú với điểm đến này!
Nếu đã đến công viên đất nung bạn đừng quên chụp thật nhiều các bức ảnh xinh nhé! Bật mí cho bạn, đây là góc sống ảo được săn đón nhiều nhất tại làng gốm Thanh Hà đó. Không gian cổ điển với các tác phẩm nghệ thuật tinh xảo là background hoàn hảo cho bức ảnh của bạn đó!
3.4. Mua các món quà lưu niệm
Tại làng gốm Thanh Hà có nhiều khu vực gian hàng bán đồ gốm lưu niệm. Các sản phẩm gốm mĩ nghệ được tạo hình vừa gần gũi vừa đẹp mắt chắc chắn sẽ khiến bạn mê mẩn đó. Sản phẩm làm và bán trực tiếp tại làng nên giá thành rất rẻ. Chọn mua các món đồ mình yêu thích để làm quà cho gia đình và bạn bè là một ý kiến hay đó!
4. Giá vé làng gốm Thanh Hà
Hiện nay, làng gốm thu vé vào cổng với mức:
- Học sinh, sinh viên, trẻ em: 15.000 đ / 1 người.
- Người lớn: 30.000 đ / 1 người.
Lưu ý: Mỗi vé có giá trị trong vòng 24h. Mức vé trên đã bao gồm tất cả các hoạt động tham quan, vui chơi tại làng gốm như: tham quan di tích miếu tổ Nam Diêu, đình Xuân Mĩ; tìm hiểu cách làm gốm từ các nghệ nhân; tự tay nặn các sản phẩm gốm…
Một mức giá rất rẻ cho chuyến tham quan đầy thú vị và cảm xúc đúng không nào!
5. Địa chỉ làng gốm Thanh Hà
- Địa chỉ cụ thể: Khu phố 5, phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
- Giờ mở và đóng cửa: 8h30 – 17h30 hằng ngày.
6. Những địa điểm tham quan gần làng gốm Thanh Hà
6.1. Phố cổ Hội An
6.2. Làng rau Trà Quế
6.3. Biển An Bàng
6.4. Chợ Hội An
6.5. Rừng dừa Bảy Mẫu
Làng gốm Thanh Hà chắc chắn là nơi đáng đến trong bản đồ du lịch Hội An của bạn. Nếu có dịp đừng quên ghé thăm và trải nghiệm tại làng nghề lâu đời này nhé!