1. Nhà thờ Tắc Sậy và những thông tin bạn cần biết
1.1 Vị trí
Theo nhiều trang web du lịch nhà thờ Tắc Sậy là ngôi nhà thờ linh thiêng nổi tiếng nhất ở khu vực miền Tây. Nhà thờ có vị trí nằm ngay trên con đường quốc lộ 1A, cách Bạc Liêu 37km. Nếu bạn muốn đến nhà thờ thì chỉ cần tra google map theo địa chỉ sau: nhà thờ Tắc Sậy, ấp 2, Tân Phong, Giá Rai, Bạc Liêu.
1.2 Lịch sử hình thành
Nhà thờ Tắc Sậy được xem là một nhánh của họ đạo Bạc Liêu ngày xưa. Ban đầu nơi đây được Cha Jules DUCQUET một linh mục người Pháp đến truyền đạo. Sau đó Cha đã thành lập 4 họ đạo ở khu vực miền Tây trong đó có họ đạo Bạc Liêu.
Năm 1925, nhà thờ Tắc Sậy được thành lập. Tháng 8 năm 1926, cha Phaolô Trần Minh Kính được cử về làm cha xứ đầu tiên của nhà thờ. Đến tháng 3 năm 1930 thì cha Phanxico Trương Bửu Diệp về nhận nhiệm sở mới thay cha Kính. Trong thời gian ở đây, cha Diệp đã chuyển nhà thờ từ phía trong ra ngoài mặt tiền như vị trí hiện tại. Cha Diệp cũng là người có công to lớn trong việc hình thành và phát triển nhà thờ Tắc Sậy. Sau khi xảy ra nhiều biến cố, nhà thờ đã được xây dựng lại và trở thành địa điểm hành hương công giáo nổi tiếng.
1.3 Giáo xứ hiện nay
Hiện nay, nhà thờ Tắc Sậy thuộc giáo hạt Bạc Liêu, giáo phận Cần Thơ. Cha chánh xứ là cha Phanxico Trần Bình Trọng. Nhà thờ có hơn một ngàn giáo dân với nhiều đoàn thể hoạt động mạnh mẽ như: giới trẻ, hội các bà mẹ, giới gia trưởng…. Ngày thường nhà thờ có 3 thánh lễ: 5h00 sáng, 9h00 sáng và 17h00 chiều. Còn vào Chủ nhật thì có thêm thánh lễ vào lúc 7h00 sáng. Nhà thờ Tắc Sậy còn được gọi là Trung tâm hành hương Cha Phanxico Trương Bửu Diệp. Hằng năm, nơi đây tiếp đón hơn hàng nghìn lượt người về dâng hương tạ ơn.
2. Câu chuyện về Cha Diệp và nhà thờ Tắc Sậy
Cha Diệp có tên đầy đủ là Trương Bửu Diệp sinh năm 1897 tại Chợ Mới, An Giang. Khi lên 7 tuổi thì mẹ mất, Cha cùng gia đình chuyển đến sinh sống ở Battambang, Campuchia. Năm 1924, Cha được thụ phong linh mục tại Đại chủng viện Nam Vang. Sau một thời gian phục vụ ở nhiều nơi, năm 1930 Cha được cử về làm chánh xứ ở nhà thờ Tắc Sậy.
Thời gian ở nhà thờ Tắc Sậy, Cha được nhiều người dân yêu mến. Năm 1945 -1946 là giai đoạn tình hình chính trị của nước ta đang bị loạn. Thay vì đi di tản, Cha đã ở lại nhà thờ đồng hành cùng những người giáo dân của mình. Sau đó Cha đã bị bắt cùng 70 người giáo dân và bị giết chết vào ngày 12 tháng 3 năm 1946.
Sau khi Cha chết, người dân đã đem chôn xác Cha ở nhà thờ Khúc Tréo. Năm 1969, thi hài Cha được đưa về chôn ở nhà thờ Tắc Sậy. Ngày 4 tháng 3 năm 2010, thi hài Cha Diệp được cải lên lần nữa nhưng vẫn được chôn lại trong khuôn viên nhà thờ.
Có nhiều giai thoại khác nhau về cái chết của Cha cũng như câu chuyện về nhà thờ Tắc Sậy. Nhưng tất cả đều nói lên Cha Diệp là một người can đảm, dám hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ người khác. Cha không chỉ là một vị linh mục tốt mà còn là một vị thánh với tâm hồn nhân hậu.
3. Kiến trúc của nhà thờ Tắc Sậy Bạc Liêu
Nhà thờ Tắc Sậy trước đây chỉ là một ngôi nhà thờ nhỏ, đơn sơ như những ngôi nhà thờ khác ở miền Tây. Sau khi đưa xác Cha Diệp về, nhà thờ đã được xây dựng lại khang trang hơn. Ngày 24 tháng 2 năm 2004, nhà thờ chính thức khởi công xây dựng lại toàn bộ. Đến nay, khuôn viên nhà thờ Tắc Sậy đã hoàn thành xong với 3 hạng mục chính rộng hơn ngàn mét vuông.
3.1 Toà nhà nơi an nghỉ Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp
Toà nhà nơi an nghỉ Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp là một ngôi nhà rộng lớn được xây dựng theo kiến trúc Á Đông nhưng vẫn mang nét đẹp của văn hoá Việt. Công trình này mang hình dáng giống như các đền đình ngày xưa của người Việt nhưng đã được cách tân, đổi mới cho phù hợp.
Toà nhà gồm có 3 gian nhà được thông với nhau. Gian nhà chính giữa là nơi có cửa ra vào và cũng là nơi đặt mộ của Cha Diệp. Nóc của toà nhà cũng được chia ra thành 3 nóc riêng lẻ khác nhau. Mỗi nóc đều được lợp ngói đỏ. Ở 4 góc của mỗi mái được trang trí biểu tượng hình con rồng. Nóc giữa được xây cao nhất và được gắn một chiếc đồng hồ ở giữa, tạo sự cân đối cho cả toà nhà.
Ở giữa gian nhà chính là một chiếc lư hương lớn mà lúc nào cũng nghi ngút nhang khói. Phía sau là mộ Cha được đặt ở giữa gian nhà. Kế bên là hai bức tượng hình Cha đang cầu nguyện và đọc sách. Chính giữa gian sau mộ của Cha Diệp là một bức tượng Cha được làm bằng gỗ cầm thánh giá giơ cao. Toà nhà này là nơi lúc nào cũng đông khách hành hương ra vào tạ ơn cũng như khấn xin.
3.2 Công trình Thánh đường Tắc Sậy
Thánh đường Tắc Sậy được thiết kế theo hình dáng giống như một con thuyền lớn đang ra khơi. Công trình này gồm có 3 tầng. Tầng trệt là nơi để xe và là nơi để các khách hành hương nghỉ ngơi. Hai tầng trên cùng là nơi để phục vụ thánh lễ. Tầng 2 là tầng chính của công trình, các vật liệu trang trí nhà thờ sử dụng chủ yếu là làm từ gỗ.
Gian cung thánh là nơi thờ phượng cũng được trang trí bằng các loại gỗ quý tạo nên sự trang trọng nhưng cũng rất gần gũi. Không gian của nhà thờ rất lớn, ở tầng 2 và tầng 3 được đặt những chiếc ghế gỗ dài dành cho những tín hữu Công giáo tham dự thánh lễ. Nếu có dịp ghé đây, bạn có thể tham dự nghi thức phục vụ thánh lễ của người Công giáo.
3.3 Toà nhà Trung tâm hành hương Cha F.X Trương Bửu Diệp
Toà nhà này là công trình được xây sau các công trình trên. Toà nhà có quy mô khá lớn. Nơi đây là nơi lưu trữ những tư liệu về Cha Diệp. Tầng trệt của toà nhà là nơi bạn có thể ghé qua thăm quan. Ngoài ra ở đây còn có bán những món quà lưu niệm mà bạn có thể mua về làm quà cho người thân. Phía trên là các phòng ở phục vụ cho việc lưu trú của các khách hành hương. Nếu bạn cần xin khấn hay xin lễ thì có thể ghé qua đây để liên hệ với các Soeur ở đây.
4. Chia sẻ kinh nghiệm khám phá nhà thờ Tắc Sậy
4.1 Phương tiện di chuyển
- Xe máy:
Nếu chọn xe máy là phương tiện di chuyển cho chuyến đi thì bạn có thể đi theo 2 hướng. Một là bạn sẽ chạy đến Bạc Liêu rồi qua thị trấn Gía Rai, sau đó đến cầu Hộ Phòng là sẽ thấy nhà thờ. Hai là bạn sẽ chạy đến Cà Mau rồi chạy về ngược về nhà thờ.
- Xe khách:
Nếu bạn muốn đến nhà thờ Tắc Sậy bằng xe khách, bạn có thể đến bến xe miền Tây đón xe khách đi Cà Mau. Các nhà xe khách ở miền Tây luôn hỗ trợ khách hàng hết mình. Một số xe có trạm ngừng ngay ở nhà thờ, bạn có thể xuống tham quan dễ dàng. Các dịch vụ xe khách cũng có xe giường nằm và xe ghế ngồi, bạn có thể lựa chọn sao cho phù hợp. Thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Cà Mau thường sẽ mất khoảng 8 – 9 tiếng. Giá xe khách cũng dao động từ 200 – 350 ngàn một lượt.
4.2 Nơi lưu trú
Bạn có thể chọn toà nhà Trung tâm hành hương Cha F.X Trương Bửu Diệp là nơi ở lại. Nơi ở này hoàn toàn miễn phí dành cho khách hành hương nên lúc nào cũng đông đúc. Bạn sẽ được phát chiếu miễn phí và chỉ cần có giấy tờ tuỳ thân đầy đủ là bạn có thể ở lại đây. Ngoài ra, nếu bạn không muốn ở lại nhà thờ, thì khu vực xung quanh gần đó cũng có nhiều nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ bình dân…để bạn lưu trú.
4.3 Địa điểm ăn uống, vui chơi
Ở gần khu vực nhà thờ và phía trước cổng có nhiều hàng gánh bán đồ ăn mà bạn có thể thưởng thức. Các món ăn vặt dân dã của người miền Tây như: bánh bò, bánh tiêu, hạt sen…. được bán khá nhiều. Bạn cũng có thể ghé qua những quán ăn ở phía đối diện nhà thờ để thưởng thức một đĩa cơm tấm, một tô phở. Nếu không, bạn có thể ghé vào ngay trung tâm Bạc Liêu để thưởng thức những món ngon như: bún nước lèo, lẩu mắm, bún mắm…
Ngoài khám phá nhà thờ Tắc Sậy thì bạn có thể ghé thăm nhà thờ Khúc Tréo để tham quan. Nhà thờ nằm không xa nhà thờ cha Diệp nhưng để đến được bạn phải đi một con sông nhỏ. Nhà thờ cũng là nơi còn lưu giữ nhiều kỉ vật về Cha Diệp.
Ngoài ra, ở gần khu vực này còn có những địa điểm khác mà bạn có thể ghé qua. Nếu bạn đi ngược về lại Bạc Liêu thì có thể ghé qua những địa điểm vui chơi ở đây. Một vài nơi gợi ý dành cho bạn như: nhà công tử Bạc Liêu, Trung tâm hành hương đức Mẹ Nam Hải, khu sinh thái Hồ Nam, sân chim Bạc Liêu…. Còn theo hướng về Cà Mau thì bạn có thể đến mũi Cà Mau, Hòn Đá Bạc, Hòn Khoai….
5. Những lưu ý khi đến nhà thờ Tắc Sậy
Nhà thờ Tắc Sậy Bạc Liêu là một trong những địa điểm hành hương Công giáo nổi tiếng. Hằng năm, nơi đây có hàng ngàn du khách đến thăm quan. Nếu bạn đến khám phá nơi đây thì việc chọn trang phục kín đáo, lịch sự là việc làm cần thiết. Ngoài ra, khi đến nhà thờ bạn sẽ thấy những bản lưu ý giữ trật tự vì là nơi tôn nghiêm. Nên việc ăn mặc phù hợp và giữ trật tự khi đến đây là việc làm cần thiết.
Nếu bạn chọn ngủ lại ở nhà thờ Tắc Sậy thì bạn nên cầm theo nhang muỗi hoặc các loại thuốc duyệt muỗi. Vì nhà thờ sẽ có rất nhiều muỗi vào buổi chiều tối, nhất là vào những tháng mưa. Một mẹo nhỏ dành cho bạn để khám phá nhà thờ Tắc Sậy dễ dàng nhất. Bạn hãy hạn chế đừng đi vào những ngày lễ lớn của Công giáo. Nhất là khoảng giữa tháng 3 nhà thờ Tắc Sậy rất đông khách hành hương đến tạ ơn. Đông nhất phải kể đến là vào ngày 12/3 vì là ngày giỗ của Cha Diệp.
Nhà thờ Tắc Sậy không chỉ là điểm đến dành riêng cho người Công giáo mà nơi đây còn là địa điểm tham quan của nhiều du khách. Ngoài là một địa điểm tôn giáo, nhà thờ Tắc Sậy còn là một công trình kiến trúc đẹp mà bạn nên ghé tham quan khi có dịp đến Bạc Liêu.