1. Mì cay Sasin của ai? Món ăn này có gì đặc biệt?

Mì cay Sasin có tên đầy đủ là Sasin mì cay 7 cấp độ Hàn Quốc. Nghe qua, nhiều người lầm tưởng thương hiệu này nhượng quyền từ Hàn Quốc, nhưng thực chất Sasin là thương hiệu Việt Nam trong lĩnh vực ăn uống.

1.1. Mì cay Sasin của diễn viên Quốc Trường

Không phải ai cũng biết, một trong 3 nhà sáng lập của thương hiệu mì cay Sasin là diễn viên Quốc Trường. Và lý do hình thành thương hiệu này càng đặc biệt hơn: Từ một lần ăn mì cùng bạn bè và thử thách nhau ăn ớt 7 cấp độ.

Theo chia sẻ từ Quốc Trường, trước khi bắt tay xây dựng thương hiệu này, anh chủ động liên hệ với hai người bạn. Trong đó có một người bạn anh “kéo” từ Philippines còn một người bạn đang ở Cần Thơ. Hiện tại, anh phụ trách mảng tiếp thị sản phẩm, còn hai người bạn sẽ phụ trách mảng tài chính, thương hiệu…

Cơ sở đầu tiên của thương hiệu hình thành đầu năm 2016 tại TP HCM. Hiện nay, thương hiệu đã xây dựng thành công với 27 cửa hàng trong và ngoài nước bao gồm hệ thống cơ sở và đại lý nhượng quyền.

Thông tin liên hệ:

mì cay sasin của ai
Diễn viên Quốc Trường là một trong ba nhà sáng lập thương hiệu này. Ảnh: Internet

1.2. Mì cay Sasin có gì đặc biệt?

Lấy cảm hứng từ món mì Jjamppong Hàn Quốc, mì cay thương hiệu Sasin mang nhiều đặc trưng của Xứ sở Kim chi. Bên cạnh đó, để phù hợp hơn với người dùng Việt, thương hiệu này đã có nhiều thay đổi trong khẩu vị.

  • Loại mì dùng có sợi to, dai được sản xuất theo công nghệ Hàn Quốc kết hợp với nhiều loại rau củ tươi ngon Việt Nam.
  • Ớt dùng trong mì cay là Carolina Reaper với 7 cấp độ. Trong đó cấp 1 tương đương độ cay gấp 3 lần tương ớt chinsu hoặc 9 thìa cà phê ớt bột. Mỗi cấp cách nhau 3 thìa ớt, đến cấp 7 là nguyên 3 trái ớt siêu cay khô Sasin. Ngoài ra còn có cấp 0 và 0,5 cho những ai mới lần đầu thử độ cay.
  • Có nhiều loại như cá viên, xúc xích cắt lát, kim chi, nấm kim châm… mang đậm hương vị xứ Hàn.
Sasin
Sợi mì của thương hiệu này được sản xuất tại Việt Nam theo công nghệ Hàn Quốc. Ảnh: Fanpage Sasin

1.3. Thực đơn mì cay Sasin đa dạng như thế nào?

Tại các cửa hàng mì cay Sasin không chỉ có món mì cay chủ đạo mà còn có lẩu cay, các món ăn vặt, nước uống đi kèm. Sự phong phú này đáp ứng được thị hiếu của giới trẻ như khá nhiều quán ăn ngon đang phục vụ mà chúng ta thường thấy hiện nay. Dưới đây là menu chính của chuỗi cửa hàng này.

1.3.1. Mì cay 7 cấp độ

Món chủ đạo này có tới 9 loại khác nhau để thực khách lựa chọn.

  • Mì kim chi bò
  • Mì kim chi gà
  • Mì kim chi bò Mỹ
  • Mì kim chi cá
  • Mì kim chi hải sản
  • Mì lẩu thái
  • Mì GoGi
  • Mì TomYum Hải sản
  • Mì TomYum bò
mì cay sasin
Có tới 9 loại mì cay khác nhau tại chuỗi cửa hàng Sasin. Ảnh: Fanpage Sasin

1.3.2. Các món lẩu cay tại chuỗi cửa hàng Sasin

Ngoài món mì, chuỗi cửa hàng này còn có nhiều món lẩu cay khác nhau.

  • Lẩu TomYum bò
  • Lẩu Tomyun hải sản
  • Lẩu Tomyun bò Mỹ
  • Lẩu Kim chi bò
  • Lẩu kim chi hải sản
  • Lẩu Kim chi bò Mỹ
  • Lẩu thái bò
  • Lẩu thái hải sản
Lẩu sasin
Ngoài mì cay, chuỗi cửa hàng Sasin còn có nhiều món lẩu khác nhau. Ảnh: Fanpage Sasin

1.3.3. Món ăn vặt và nước tại quán mì cay Sasin

Bên cạnh các món lẩu, mì cay, chuỗi cửa hàng Sasin còn có nhiều món ăn vặt, nước uống các loại.

Các món ăn vặt tại đây:

  • Cơm trộn Hàn Quốc
  • Đùi gà cay
  • Mỳ xào hải sản
  • Mỳ xào gà
  • Kim bắp
  • Takoyaki

Các loại nước uống:

  • Trà đào
  • Trà sữa sasin
  • Trà sữa thái
  • Sting, Pepsi, 7up, redbull
món ăn vặt
Các món ăn vặt cũng rất đa dạng tại chuỗi cửa hàng Sasin. Ảnh: Fanpage Sasin

2. Mì cay Sasin có ngon không? Review chi tiết về chất lượng, giá bán tại chuỗi cửa hàng này

Là một thương hiệu mới, nhưng mì cay Sasin nhận được khá nhiều lời khen về chất lượng và dịch vụ. Hơn thế, nhờ cách nhượng quyền độc đáo thương hiệu đã nhanh chóng thành lập hàng loạt chi nhánh khác nhau. Dưới đây là review chi tiết về chất lượng, giá bán cũng như thông tin về chương trình nhượng quyền từ Sasin.

2.1. Review về chất lượng mì Sasin từ thực khách

Tùy vào mỗi cửa hàng mà thực khách có những đánh giá khác nhau về chất lượng. Dưới đây là review chi tiết từ một số khách hàng từng ăn tại chuỗi cửa hàng Sasin.

  • Khách hàng Vy Trần: “Lần đầu tiên ăn mì cay, và bắt đầu bằng cấp độ 2. Sợi mì dai, nước mì nêm vừa miệng, theo vị Thái nên chua ngọt vừa ngon nhức nhối, vị ớt tự nhiên xay ra chứ không phụ liệu hay phẩm màu nên cay dịu không bị sộc và gây sặc. Đặc biệt, set lẩu 119.000 đồng bao la trời mây luôn, ta nói cả đám no lăn lốc mà vẫn không hết, no nê ăn không nổi mà vẫn còn ghiền cái nước lẩu chua chua ngọt ngọt siêu đã, chuẩn vị Thái cay cay nhẹ. Hơn thế, hải sản ở đây tươi khỏi bàn, nhất là tôm và mực rất giòn và ngọt, nấm kim châm, súp lơ, rau củ cũng cho rất hào phóng nhiều lắm ăn phê luôn”.
  • Khách hàng Food Lover: ” Không gian nhìn bên ngoài thì thấy cũng rộng rồi ai ngờ vào trong mới thấy rộng gấp đôi luôn, có lầu, có bàn thấp với bàn cao rất thoải mái lựa chọn, trang trí cũng rất đẹp. Mình đến thường hay gọi mì kim chi hải sản và mì kim chi bò. Nước mì đậm đà, 1 tô mì rất chất lượng với quá trời nấm kim châm, tôm… topping khá nhiều. Phục vụ nhanh mặc dù mình đi tối quán rất đông”.
  • Khách hàng Quyên Huỳnh: “Order cái lẩu thái 169.000 đồng chỉ có 4 tôm 4 miếng mực nhỏ xíu, không được miếng bò nào. Trước đó đã đến ăn mấy lần có tôm có bò đầy đủ. Lần này lại phải order bò thêm cho được 4 lát mỏng dính”.
review Sasin
Tùy vào mỗi chi nhánh thực khách có đánh giá khác nhau về chất lượng. Ảnh: Fanpage Sasin

2.2. Chi tiết về giá bán các món trong menu mì cay Sasin

Về giá cả, các món trong thực đơn mì cay có mức giá khá bình dân. Giá mỗi món ăn trung bình từ khoảng 40.000 đến 70.000 đồng.

Trong đó các loại mì cay có giá 49.000 đồng/ phần. Các món lẩu sẽ có mức giá cho 2 người và 4 người, dao động từ 169.000 đồng đến 329.000 đồng.

Các món ăn vặt như cơm trộn Hàn Quốc, đùi gà cay, kimbap có giá từ 39.000 đồng đến 45.000 đồng. Còn các loại nước uống đồng giá 29.000 đồng.

giá bán
Giá bán các món trong menu đều được niêm yết trên website. Ảnh: Chụp màn hình

2.3. Nhượng quyền mì cay Sasin giá bao nhiêu?

Hệ thống mì cay Sasin chủ yếu phát triển nhượng quyền 60% và tự mở thêm chi nhánh là 40%. Hiện tại, Sasin đã có một nhà máy sản xuất mì và xưởng sản xuất kim chi, cá viên chiên và nước lèo. Điều đó giúp Sasin có thể quản lý chất lượng sản phẩm chặt chẽ hơn. Dưới đây là thông tin chi tiết.

2.3.1. Chi phí nhượng quyền

Phí nhượng quyền:

  • Phí nhượng quyền trong khu vực TP Hồ Chí Minh và khu vực Hà Nội là 30.000 USD cho hợp đồng 3 năm.
  • Phí nhượng quyền  ngoài khu vực TP Hồ Chí Minh và khu vực Hà Nội là: 15.000 USD cho hợp đồng 3 năm.

Chi phí ban đầu:

  • Ước tính chi phí ban đầu tại TP Hồ Chí Minh là khoảng 80.000 USD.
  • Với cửa hàng nhượng quyền tại các tại các khu vực ngoài TP Hồ Chí Minh là 60.000 USD.

Chi phí duy trì:

  • Bên nhận quyền hằng tháng phải trả cho bên nhượng quyền một khoản chi phí tương đương 5% tổng doanh thu của tháng đó.

2.3.2. Các điều kiện để trở thành đơn vị nhận quyền từ Sasin

Về vị trí phải nằm trong một số vị trí sau:

  • Trục đường lưu thông chính tại các quận, tỉnh, thành phố.
  • địa điểm tập trung ăn uống, vui chơi giải trí đông đúc và có nhiều thương hiệu và quán ăn lớn.
  • Tập trung nhiều các trường cấp 3, cao đẳng, đại học.
  • Nhà góc phố diện tích tối thiểu: chiều ngang 5 m chiều dài 15 m, 1 trệt 2 lầu. Nhà mặt tiền phố diện tích tối thiểu: chiều ngang 6 m, chiều dài 15 m, 1 trệt 2 lầu.

Về tài chính:

  • Kinh phí tối thiểu xây dựng 1 cửa hàng nhượng quyền Sasin tại khu vực TP Hồ Chí Minh: 80.000 USD (các tỉnh thành khác là 60.000 USD).
  • Thiết kế và xây dựng do trực tiếp Công ty Sasin đảm nhận: giá thi công 6.000.000 đồng/ mét vuông thi công hoàn thiện (không bao gồm dụng cụ trong bếp, camera, wifi… các phụ kiện). Riêng diện tích xây dựng bãi xe và bếp là thi công đơn giản nên sẽ có báo giá riêng.
  • Chi phí huấn luyện: 3.000.000 đồng / người (tối đa 3 người bao gồm chủ cửa hàng).
  • Đơn hàng đầu tiên từ 80.000.000 đồng trở lên và từ 3.000.000 đồng trở lên bắt đầu từ đơn hàng thứ 2.

Hỗ trợ từ Sasin:

  • Giám sát thi công.
  • Cung cấp đầy đủ nguyên vật liệu.
  • Cung cấp tài liệu hướng dẫn hoạt động.
  • Tư vấn chiến lược tiếp thị phù hợp với địa bàn kinh doanh.
  • Sử dụng các tài nguyên của hệ thống: Website, social…
  • Hỗ trợ đội ngũ chấm chất lượng để bảo đảm thương hiệu.
Sasin nhượng quyền
Thương hiệu Sasin hoạt động theo hình thức nhượng quyền. Ảnh: Fanpage Sasin

3. Hướng dẫn cách nấu mì cay Sasin 7 cấp độ phù hợp với mọi đối tượng

Như đã đề cập, mì Sasin có đến 7 cấp độ cho người dùng. Tuy nhiên chỉ có độ cay là khác nhau, còn các món topping đi kèm đều giống nhau. Ngoài việc đến các cửa hàng của Sasin để thưởng thức, bạn đọc cũng có thể tự nấu tại nhà theo công thức sau nhé.

3.1. Nguyên liệu cần có và cách sơ chế

Nguyên liệu cần chuẩn bị để nấu mì cay:

  • 1 gói mì sợi giai Hàn Quốc
  • 1 bịch nấm kim châm
  • 1/2 bắp cải tím
  • 1/4 bông cải xanh
  • 200 gram kim chi
  • 4 con tôm
  • 1 con mực
  • 200 gram thịt bò
  • Ớt bột Hàn Quốc
  • Các loại gia vị thường dùng: lá quế

Cách sơ chế các nguyên liệu:

  • Với kim chi bạn có thể tự muối hoặc mua sẵn trong siêu thị. Sau đó dùng kéo cắt thành từng miếng vuông nhỏ vừa ăn.
  • Tỏi băm nhuyễn.
  • Bông cải xanh rửa sạch, ngâm với nước muối. Dùng dao cắt thành từng bông nhỏ
  • Bắp cải tím rửa sạch với nước muối rồi dùng dao bào bào thật mỏng.
  • Về phần hải sản: tôm rửa sạch bỏ chỉ đen, mực rửa thật sạch rồi cắt thành từng khoanh vừa.
  • Thịt bò rửa sạch, cắt lát mỏng vừa ăn.
nguyên liệu nấu mì cay
Nguyên liệu cần có để nấu món mì Sasin tại nhà. Ảnh: Internet

3.2. Cách làm nước mì cay Sasin chuẩn vị

  • Bật bếp, cho một chút dầu ăn vào nồi rồi phi thơm tỏi băm cho thơm, vàng. Cho kimchi vào xào khoảng 2 phút. Lưu ý, không cho nước kimchi vào xào chung nhé.
  • Sau khi xào kimchi xong, bạn đổ khoảng 1 lít lọc nước vào nồi. Bắt đầu nêm gia vị với 2 muỗng canh ớt bột Hàn Quốc, 2,5 muỗng canh tương ớt, 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê hạt nêm. Sau đó cho nước kim chi vào chung rồi đun sôi.

Lưu ý: Sử dụng 2 muỗng canh ớt bột Hàn Quốc là tương đương ở mức cấp độ cay cấp 1,5 – 2. Nếu không ăn được cay, bạn chỉ nên cho 1 – 2 muỗng cà phê ớt bột. Nếu ăn cay nhiều hãy tăng lượng ớt bột lên để phù hợp hơn với khẩu vị.

nấu nước dùng
Nước dùng mì cay được nấu khá đơn giản tại nhà. Ảnh: Internet

3.3. Hoàn thành và thưởng thức món mì cay Sasin

  • Chuẩn bị từng thố mì cay rồi cho nước dùng đã nấu xong vào trong thố.
  • Bật bếp cho từng thố nước dùng sôi lại rồi lần lượt cho hải sản gồm tôm, mực vào trước. Khoảng 1 phút sau thả bông cải, nấm vào. Thịt bò thì cho vào cuối để giữ độ ngọt.
  • Chờ cho thịt bò chín mềm rồi cho mì vào cuối cùng. Tùy từng loại mì mà nấu với thời gian phù hợp, có thể để mì sôi 1 – 2 phút.
  • Hoàn thành và thưởng thức hương vị đặc trưng chua chua của nước dùng kimchi hòa quyện cùng vị cay nồng của ớt Sasin, ăn kèm với rau, tôm, mực, thịt bò rất ngon.
mì cay
Mì cay có thể tự nấu tại nhà đơn giản. Ảnh: Internet

Mì cay Sasin không đơn thuần chỉ là món mì cay 7 cấp độ mà còn nhiều kiểu kết hợp và hương vị khác nhau. Nhờ vị đặc trưng của sợi mì Hàn Quốc to, dai, ngon kết hợp cùng nước dùng chua cay tạo nên một món ăn cực kỳ hấp dẫn. Nếu có dịp bạn có thể đến các cửa hàng của Sasin để thưởng thức nhé. Hoặc bạn cũng có thể tự nấu tại nhà theo công thức ở trên.

Đức Lộc